Sự kiện

Thủy điện Lai Châu: Viết tiếp bản trường ca trị thủy sông Đà

Thứ năm, 2/1/2014 | 10:03 GMT+7
Lần nào lên Lai Châu tôi cũng mang theo ấn tượng về một vùng rừng núi xa vời, vất vả, bí ẩn nhưng thật hấp dẫn.


Trên công trường Thủy điện Lai Châu

CôngThương - Còn nhớ cuối tháng 4/2012, một trận cuồng phong ghé thăm công trường ngay buổi chiều trước hôm diễn ra Lễ ngăn sông đợt 1 khiến ta luy bên trái bị sạt lở vùi lấp toàn bộ khu vực sân bãi chuẩn bị cho mít tinh. Thật hú vía vì nếu trận lốc này đến chậm 1 ngày thì không biết sẽ ra sao?. Nghe nói, vì trận mưa này mà Đoàn lãnh đạo của Bộ Công Thương phải bay 2 lần mới đến được Điện Biên. Khi được hỏi cảm giác về trận sạt lở thế nào, một công nhân cười: Ở đây còn những trận lũ đáng sợ hơn nhiều.

Đường lên Lai Châu thật gian nan. Lái xe ở tuyến đường này không chỉ cần có “tay lái lụa” mà còn phải có “thần kinh thép” mới có thể đi trên những con đường nhỏ hẹp, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Mỗi lần xe lượn dốc, tôi phải bám chặt thành ghế mà vẫn ngã dúi dụi, tai ù đi. Với những lái xe phục vụ công trường thì đây là những khó khăn nhỏ nhất.

Từ xa nhìn lại, Thủy điện Lai Châu đã rõ hình hài một đại công trường với các hạng mục chính đang vào giai đoạn nước rút, điểm nhấn là một con đập sừng sững đang hối hả chạy đua với thời gian để vươn tới cao trình. Dưới chân đập, các loại xe, máy móc của nhiều nhà thầu như: Sông Đà, Trường Sơn, LILAMA… Ngoài hàng trăm thiết bị, máy móc, trên công trường hiện nay còn có hơn 5.000 kỹ sư, công nhân ngày, đêm chia làm 3 ca lao động. Họ hầu hết đều quê ở xa, rất ít có điều kiện về thăm nhà.

Thủy điện Lai Châu khởi công năm 2010, có 3 tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, điện lượng trung bình 4,67 tỷ kWh/năm. Dự kiến tổ máy 1 phát điện năm 2016, hoàn thành công trình năm 2017. Để có được công trình này, phải đào gần 15 triệu m3, đắp gần 2,6 triệu m3 đất đá, nhiều hơn cả Thủy điện Sơn La; đổ trên 3,6 triệu m3 bê tông; 49.465,7 tấn cốt thép; khoan phụt xi măng 82.410 m; lắp đặt 31.833 tấn thiết bị công nghệ.
Hoành tráng nhất trên công trường có lẽ là khu vực đổ bê tông đầm lăn (RCC) đập dâng và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công cửa nhận nước. Trên diện tích khoảng 8.000m2, khoảng chục công nhân, phương tiện máy móc vừa hối hả thi công vừa phun sương giữ cho bê tông có độ ẩm nhất định. Theo ông Phạm Hồng Phương – Phó ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La – Lai Châu, đổ bê tông RCC trong thời tiết râm mát là thuận lợi nhất, mưa to thì phải căng bạt để thi công liên tục, nắng nóng quá phải trộn thêm nước đá để đảm bảo nhiệt độ bê tông luôn ở 220C. Theo kế hoạch đến cuối năm 2013, đập dâng đầm lăn sẽ đạt cao trình 249,1m. Toàn bộ thiết bị phục vụ đổ bê tông RCC đều được nhập khẩu từ các nước tiên tiến trên thế giới, đảm bảo mỗi ngày làm từ 6.000- 7.000m3 bê tông. Để phục vụ kịp thời cho việc sản xuất bê tông RCC, Công ty CP Sông Đà 7 có 4 trạm nghiền công suất từ 350.000 -650.000m3 chuyên sản xuất các loại đá đặc chủng cho nhà máy sản xuất bê tông RCC.

Trong khi nhiều nhà thầu đang hối hả với các phần việc đổ bê tông thì LILAMA 10 cũng bắt đầu triển khai lắp đặt thiết bị các công trình chính, bao gồm cửa nhận nước, đường ống áp lực… Tại bãi tập kết cách nhà máy hơn 1km, hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc đã được vận chuyển về. Hệ thống cẩu 100 tấn, 250 và 600 tấn đã được di chuyển lên công trường.

Được biết, Dự án Thủy điện Lai Châu được tiếp thu toàn bộ nhân lực, vật lực, kinh nghiệm của Dự án Thủy điện Sơn La, vì vậy, công tác quản lý, phối hợp chỉ đạo giữa các bên rất nhịp nhàng. Vướng mắc nhất là công trình này vừa thiết kế vừa thi công nên các đơn vị khá bị động. Hơn nữa, công trình vừa phải chịu tác động của mùa lũ vừa chịu ảnh hưởng mực nước dâng của Thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn huy động tối đa mọi nguồn lực để bảo đảm tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Hồng Hà- Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Lai Châu- cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, phong trào thi đua “4 nhất” trên công trường Thủy điện Lai Châu  đã được phát động với các tiêu chí: Sáng tạo nhất; chất lượng cao nhất; tiến độ nhanh nhất và an toàn nhất. Theo đó, đến cuối tháng 12/2013 hoàn thành thi công bê tông RCC đạt cao độ 229m tại các khối C1, C2, C3, C3L và một phần khối C4; đường ống áp lực đạt cao trình 189.75m; phần hạ lưu tại khu nhà máy vượt cao trình 215,75m; gian công nghệ đạt cao trình 189,75m; gian lắp ráp đạt cao trình 224m; khoang tổ máy đạt cao trình 180,6m. Khoan phun gia cố, chống thấm: 29.600md; bê tông CVC 350.000m3; bê tông RCC 974.000m3 và lắp đặt 3.800 tấn thiết bị. Đến nay Thủy điện Lai Châu đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu của năm 2013. Công nhân trên công trường sẽ được nghỉ Tết Giáp Ngọ theo đúng quy định của Chính phủ.

Công trường Thủy điện Lai Châu đang dần về đích bởi bàn tay những người thợ tâm huyết. Việc hoàn thành sớm nhà máy sẽ góp phần tiết kiệm kinh phí và mang lại lợi nhuận cho quốc gia khi phát điện. EVN cũng đang triển khai xây dựng đường dây 500kV Lai Châu- Sơn La để kịp đón dòng điện đầu tiên từ Nhà máy Thủy điện Lai Châu vào năm 2015.

Đến Thủy điện Lai Châu nhìn lên vùng thượng nguồn, tôi không khỏi nao nao khi nghĩ đến những bản làng, những địa tầng văn hóa, những ký ức, kỷ niệm vui, buồn của người dân nơi đây sẽ chìm vào dĩ vãng khi tích nước hồ. Đau lắm, tiếc lắm nhưng bà con sẵn sàng chia sẻ để vươn tới ước mơ “có điện thay sao” ở vùng trời biên giới Tây Bắc. Giấc mơ vĩ đại trị thủy sông Đà của ngàn đời nay sẽ không thể thực hiện nếu không có sự hy sinh thầm lặng của người dân nơi đây.
Theo: Công Thương Online