Tin trong nước

Thủy điện Sê San 3: Thêm một lần thử thách

Thứ hai, 19/4/2010 | 10:35 GMT+7

Sê San 3 là công trình thủy điện gồm 2 tổ máy có tổng công suất 260 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,12 tỉ KWh điện. Công trình nằm trên phía hạ lưu của thủy điện Ia Ly. Nếu xuôi theo dòng Sê San thì hai công trình thủy điện này chỉ cách nhau khoảng 15 km, nhưng đi theo đường bộ thì khoảng cách đó là 37 km.


Nhà máy thủy điện Sê San 3. Ảnh: Đức Thanh

Toàn bộ nhà máy thủy điện Sê San 3 nằm lọt thỏm trong một thung lũng, hai bên là 2 dãy núi dựng đứng. Điều này đã làm cho khí hậu nơi đây thêm phần khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Phó Quản đốc phân xưởng vận hành, kỹ sư Nguyễn Lê Hùng nói rằng: Đêm đến, nhiệt độ khu vực xuống thấp vì thế hàm lượng khí CO2 do môi trường xung quanh thải ra không thoát lên được, sau một đêm ngủ dậy, cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi. Đến trưa, nhiệt độ tăng cao hơn, không khí loãng ra, khí CO2 thoát được nên có phần cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng anh em ở đây, không thấy ai kêu ca, phàn nàn gì, hình như mọi người đã quen rồi!

 …Nhưng đấy chỉ là “một chút” khó khăn trong cuộc sống của mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy thủy điện Sê San 3. Cái khó lớn hơn không phải là môi trường sống mà là công việc. Đây là công trình mà đến thời điểm này vẫn chưa được bàn giao chính thức giữa tổng thầu thi công là Tổng Công ty Sông Đà và chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhưng do nhu cầu về điện hết sức cần thiết cho việc phát triển kinh tế đất nước, sinh hoạt của nhân dân nên Công ty Thủy điện Ia Ly đã đảm nhận vận hành tổ máy số 1 từ tháng 3-2006, tổ máy số 2 vào tháng 7-2006 và mỗi năm vẫn đạt 102% kế hoạch, tương đương khoảng 4 tỉ KWh điện, đã góp phần không nhỏ giải quyết tình trạng thiếu điện gay gắt cho đất nước.

Kỹ sư Nguyễn Lê Hùng cho biết thêm, hệ thống điều khiển máy tính của toàn nhà máy được đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 7-2008, nhưng cho đến bây giờ vẫn bị lỗi. Hệ thống thông tin liên lạc chưa được đưa vào vận hành. Đối với nhà máy thủy điện thì hệ thống này hết sức quan trọng vì nó đảm trách nhiệm vụ thông tin liên lạc giữa các cấp điều độ với nhà máy. Hiện nay, muốn liên lạc được phải tạm thời sử dụng mạng điện thoại không dây của EVN, mà trạm phát sóng khá xa nhà máy, sóng bị chắn bởi nhiều dãy núi. Khi trời nắng thì việc sử dụng hệ thống liên lạc này thường xuyên hơn, nhưng lúc trời mưa hay bị đứt liên lạc do đó dẫn đến khả năng điều hành giữa A0 và A3 bị mất.

Khó khăn, cứ tưởng chỉ có thế, nhưng không phải, theo thiết kế, nhà máy có 2 đường dây truyền tải kết nối ra trạm 500 KV, nhưng hiện nay mới chỉ có một đường dây vận hành nên nếu trên hệ thống mất một đường dây là nhà máy bắt buộc phải ngừng hoạt động. Rồi hệ thống rơle bảo vệ chưa được đưa vào sử dụng do hệ thống thông tin liên lạc chưa được đưa vào sử dụng. Mỗi đường dây truyền tải điện có một bảo vệ so lệch và đương nhiên 2 đường dây sẽ có 2 rơle, nhưng khi chưa được đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính an toàn của hệ thống đường dây truyền tải. Ở Sê San 3 cũng có lỗi tổ máy do thiết kế. Về nguyên tắc, công suất định mức của tổ máy 130 MW, tức là phải vận hành được trong dải công suất từ 70 MW đến 130 MW, nhưng thực tế chỉ vận hành trong dải công suất từ 110 MW đến 130 MW, thu hẹp dải vận hành nên dẫn đến khó khăn cho trung tâm điều độ trong điều hành.

Khi hỏi về giải pháp khắc phục, Phó Quản đốc phân xưởng vận hành, kỹ sư Nguyễn Lê Hùng chỉ nói gọn một câu: “Con người đang phải thay thế máy móc để kiểm soát toàn bộ tính an toàn của nhà máy và hệ thống truyền tải điện”. Một câu nói chứa đựng nỗi vất vả của những kỹ sư, công nhân vận hành toàn bộ nhà máy, nhưng qua đó cũng thấy được khả năng làm chủ thiết bị, công nghệ của họ. Sau nhà máy thủy điện Ia Ly, chính ở nhà máy thủy điện Sê San 3 lại là nơi mà các cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty Thủy điện Ia Ly thêm một lần thử thách với những sự cố máy móc, thiết bị. Nhưng đấy cũng chính là nơi khẳng định bản lĩnh người thợ, năng lực của mỗi cá nhân, chịu trách nhiệm rất cao về mỗi quyết định, hành động của mình trước sự an toàn của nhà máy.


 
Kiểm tra mực nước hồ chứa thủy điện Sê San 3. Ảnh: H.A.P

Cũng cứ tưởng việc đảm nhận vận hành nhà máy có quy mô như Sê San 3 phải cần cả trăm con người, nhưng thực tế lại không như thế. Toàn bộ lực lượng vận hành ở đây chỉ có 34 con người, trong đó có 12 kỹ sư và 32 cán bộ trung cấp. Trong lực lượng này chỉ có 2 cán bộ quản lý là Quản đốc phân xưởng và Phó Quản đốc phân xưởng, còn lại chia ra 5 kíp trực tiếp vận hành.

Nhưng không phải vì lý do đó mà sự cống hiến của họ bị hạn chế. Bên cạnh việc vận hành an toàn cho toàn bộ hệ thống nhà máy, hệ thống truyền tải điện, qua hơn 3 năm vận hành nhà máy đã sản xuất được gần 4 tỉ KWh điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, tương đương doanh thu gần 4.000 tỉ đồng thì cũng có nhiều sáng kiến kỹ thuật được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải pháp kỹ thuật lâu dài. Trong tổng số 28 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cả những kỹ sư và công nhân kỹ thuật, đã có 9 sáng kiến được áp dụng thành công. Có thể kể đến đấy là các gương mặt như: Vũ Quang Ngọc, Nguyễn Huy Đông, Phan Tuấn, Thái Văn Tấn… đã đóng góp sự sáng tạo của mình để thay đổi những bất hợp lý trong thiết kế mạch thiết bị điều khiển, đáp ứng độ vận hành an toàn, tránh rủi ro khi vận hành thiết bị… Họ là những con người tiêu biểu trong cộng đồng 34 anh em ở Sê San 3, chứng minh nhận định: Nơi đâu có khó khăn, nơi ấy có con người trưởng thành.

Theo: Báo ĐT Gia Lai