Thủy điện Sơn La đang hiện dần lên trong mây núi vùng Tây Bắc
Sau 40 km đường núi quanh co với gần 2 giờ rưỡi chạy xe từ thị xã Sơn La (tỉnh Sơn La) vào đến huyện Mường La, thủy điện Sơn La - công trình thủy điện đồ sộ nhất cả nước- đã hiện ra trước mắt chúng tôi với tất cả sự kỳ vĩ của một công trình thế kỷ.
Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Ngày Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện hơn 20 năm trước, người ta đã đánh giá đây là công trình đặt nền móng lịch sử cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của VN thời kỳ đổi mới. Nhưng phải kể từ khi Quốc hội phê chuẩn việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La thì thủy điện VN mới đạt tới cột mốc đáng nhớ, một cột mốc có thể coi là kỳ vĩ. Công suất thiết kế 2.400 MW với sản lượng điện khi 6 tổ máy hoàn thành là 10 tỉ KW, đáp ứng 12% nhu cầu điện của cả nước, thủy điện Sơn La xứng đáng là anh cả của thủy điện VN và là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
“Sau Sơn La, có thể sự nghiệp ngăn sông, xây đập để tạo ra dòng điện cho đất nước vẫn chưa dừng lại nhưng khó có thể có một công trình nào so sánh được với thủy điện Sơn La về tầm vóc và vị thế trong việc tạo ra nguồn năng lượng phục vụ đời sống cũng như phát triển kinh tế”. Ông Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 908 - đơn vị đang trực tiếp thi công trên công trường thủy điện Sơn La, nhận xét. Tất cả những cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng và lắp ráp VN như Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng Công ty Lắp máy LILAMA, Tổng Công ty LICOGI và rất nhiều nhà thầu khác đều xác định thủy điện Sơn La không chỉ là một công trình như bao công trình khác họ đã làm mà đây là công trình của niềm tự hào và sự kỳ vọng.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2009 hoặc đầu 2010, tổ máy số một trong 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La mới chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia nhưng trên công trường dù còn ngổn ngang, sau 3 năm khởi công và hơn 4 năm động thổ, hình dáng của một thủy điện Sơn La bề thế đang hiện ra trong mây núi Tây Bắc đầy kiêu hãnh. Những công nhân làm việc tại công trình đập thủy điện Đầm Lăn - đập thủy điện sẽ đứng hàng thứ ba thế giới về độ lớn - có lẽ là những người làm việc hối hả nhất. 24/24 giờ, hơn 560 công nhân của Công ty Sông Đà 908 thay nhau làm việc. Với 6.500 m3 xi măng/ngày, người ta đã phải xây dựng cả một nhà máy xi măng ngay cạnh đập Đầm Lăn. Đập thủy điện có cao trình của đỉnh đập lên tới 92,7 m và đáy đập là 22,8 m, nhưng chiều cao tối đa lên tới 138,1m xứng đáng là một trong những kỳ tích của những công nhân Sông Đà.
Cỏ xanh và ngói đỏ
Một điều thú vị là trên công trường thủy điện Sơn La có rất nhiều trẻ em có độ tuổi bằng tuổi của công trình. Một trường mầm non mang tên Sông Đà được thành lập cách đây 2 năm để chăm sóc con của công nhân xây dựng thủy điện Sơn La. 209 cháu có độ tuổi từ 18 tháng đến 5 tuổi là 209 “công trình” hạnh phúc của những gia đình đang có mặt trên công trường lớn thủy điện Sơn La. Ngoài trường mầm non này còn có một trường tiểu học cũng mang tên Sông Đà - nơi những công nhân xây dựng gửi gắm con em để có thể tập trung toàn tâm cho công trình.
Nụ cười của những nữ công nhân trên công trường thủy điện Sơn La.
Nhiều cán bộ, công nhân đã chuyển cả gia đình lên làm việc và học tập tại công trường này, một số khác lại tìm thấy hạnh phúc ngay trên công trường tất bật. “Có thể nói thủy điện Sơn La không chỉ là công trình của những niềm kiêu hãnh, tự hào mà còn là công trường tràn ngập hạnh phúc”. Ông Đinh Văn Đại, Phó Giám đốc Công ty Sông Đà 506 - người trực tiếp chỉ huy trên công trường xây đập thủy điện Đầm Lăn, nhận xét. ÔngTrần Viết Liêm, Phó Phòng Tổ chức hành chính của Công ty Sông Đà 506, kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện hạnh phúc của mình: “Vợ chồng tôi làm đám cưới ngay tại công trường nên mâm cỗ cũng đạm bạc thôi nhưng anh em đến chúc phúc cho vợ chồng tôi thì đông vui như đi trẩy hội. Đó là niềm hạnh phúc khó nói thành lời”. Đến thăm căn nhà của vợ chồng anh Liêm - chị Hà và được sống trong không khí gia đình ngay trên công trường thủy điện, bất cứ ai cũng cảm thấy ấm áp. Cháu Trần Thùy Linh- con gái của anh chị- cũng được sinh ra và lớn lên cùng với công trình này. Không biết có phải do anh Liêm và chị Hà “mở hàng” mát tay hay không mà sau 4 năm đặt chân đến mảnh đất này, những đám cưới của công nhân thủy điện cứ nhiều lên theo năm tháng.
Những nơi có dấu chân công nhân xây dựng thủy điện đi qua, người ta thường nói: “Khi đi xanh cỏ, khi về đỏ ngói”. Chưa cần đến khi thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, công trình này đã khiến mảnh đất Mường La 4 năm trước còn “xanh cỏ” giờ đã sắp “đỏ ngói”.
Niềm tự hào của kỹ sư và công nhân VN
“Được làm việc trên công trường thủy điện Sơn La là một niềm hạnh phúc và tự hào. Không tự hào sao được bởi nếu như 20 năm trước, trên công trường thủy điện Hòa Bình, tất cả hạng mục chủ chốt đều do nhà thầu nước ngoài và trực tiếp là chuyên gia, công nhân Liên Xô đảm nhận. Những công trình thủy điện sau này, chủ đầu tư cũng vẫn còn phải thuê chuyên gia nước ngoài ở tất cả các khâu nhưng đến thủy điện Sơn La thì lượng chuyên gia nước ngoài chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”. Ông Nguyễn Hoàng Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ty Sông Đà 908, không giấu niềm tự hào sau gần 20 năm lăn lộn cùng sự nghiệp thủy điện. Tất cả những hạng mục thủy điện Sơn La dù khó đến đâu cũng đều do kỹ sư và công nhân VN đảm nhận, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát.
|