Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, HĐND-UBND tỉnh Gia Lai, bằng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, Điện lực Gia lai đã cung cấp điện an toàn, liên tục phục tốt đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn.
Đến nay, Gia Lai đã có 100% xã có điện với tổng số khách hàng Điện Lực Gia lai quản lý và bán điện trực tiếp là 217.572 khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn một số thôn, buôn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn do dân cư sống không tập trung, địa hình phức tạp vẫn chưa có điện lưới quốc gia kéo đến phục vụ sản xuất và sinh hoạt, người dân nơi đây đang chờ sự quan tâm của các cấp. Trên cơ sở đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ý kiến thẩm tra của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo đầu tư chương trình cấp điện cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Việc triển khai thực hiện Dự án này là một tín hiệu vui đối với những người dân nơi đây, tạo nên sự công bằng trong việc thụ hưởng công trình phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KTXH Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng địa phương vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu, mức sống bình quân, điện thương phẩm/ đầu người khu vực này so với toàn quốc còn thấp. Mục đích đầu tư của dự án cấp điện cho các thôn buôn dân tộc chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên là nhằm thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, thúc đẩy phát triển KT- XH, đảm bảo an ninh chính trị cho khu vực Tây Nguyên. Phạm vi dự án là thực hiện đầu tư lưới điện trung, hạ thế, nhánh rẽ và công tơ kể cả mạng điện trong nhà cho từng hộ đồng bào dân tộc sống tại các thôn buôn chưa có điện. Nguồn vốn: 85% tổng mức đầu tư dự án được cấp từ ngân sách Nhà nước và 15% từ nguồn vốn của EVN.
Đây là dự án lớn, với địa bàn trải rộng nên cần có sự phối hợp đồng bộ, sự giám sát chặt chẽ tránh những sai sót. UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; EVN là chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định bao gồm đầu tư lưới điện trung, hạ thế, nhánh rẽ và công tơ đến từng hộ dân theo địa bàn quản lý. Chủ đầu tư thẩm tra, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế và dự toán xây dựng dự án. Công ty Điện Lực 3 giao cho Điện lực Gia Lai làm công tác giám sát và thi công nhánh rẽ và đường dây sau công tơ cũng như mạng điện trong nhà. Nhận thức đây là dự án quan trọng, lãnh đạo Điện lực Gia Lai đã tổ chức lớp tập huấn công tác giám sát và thi công công trình cho các cán bộ chủ chốt. Ngày 04 tháng 09 năm 2008 chủ đầu tư dự án đã tiến hành giao mốc cho đơn vị thi công ở một số huyện trên địa bàn tỉnh. Đối với tỉnh Gia lai, dự án này sẽ cấp điện cho 113 xã với 331 thôn buôn với trên 28 hộ gia đình được cấp điện. Điện lực Gia Lai rất cần sự ủng hộ của chính quyền và chính người dân ở địa phương trên cơ sở nhận thức đầy đủ đây là một dự án nhằm đem lại lợi ích của cho chính người dân địa phương, tạo sự công bằng trong thụ hưởng phúc lợi xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Mặc dù dự án này là một trọng trách đầy khó khăn đối với ngành điện nói chung và Điện lực Gia Lai nói riêng, nhưng thêm những buôn làng có điện cũng là trách nhiệm và niềm vui của các đơn vị ngành điện, của các cấp, các ngành trong sự nghịêp chung – xoá đói giảm nghèo vùng sâu vùng xa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo PC3