Tiến độ công trình

Thuỷ điện Sơn La: “Tăng tốc” vì mục tiêu phát điện tổ máy 1

Thứ ba, 26/1/2010 | 16:25 GMT+7

Năm 2010 có lẽ là một năm mang tính quyết định với công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, thuỷ điện Sơn La. Trời đã vào khuya, đại công trường vẫn sáng rực ánh đèn. Trên công trường thế kỷ này, hơn 10.000 CBCNV đang ngày đêm “tăng tốc” làm 3 ca, 4 kíp cho kịp tiến độ tích nước hồ chứa vào tháng 5, để rồi phát điện đúng kế hoạch tổ máy số 1 vào tháng 12/2010, sớm trước 2 năm so với mốc ban đầu đặt ra.

“Đích” đang đến gần

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Ban quản lý Dự án thuỷ điện Sơn La cho biết: năm nay, dự án phải hoàn thành khối lượng đổ bê tông vô cùng lớn với trên 1,2 triệu m3; khoan phun gia cố và chống thấm nền đập 8,8 nghìn md; lắp đặt gần 17,8 nghìn tấn thiết bị… đảm bảo mục tiêu nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa vào đầu tháng 5/2010 và phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2010. 

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, việc lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công (BVTC) đang cơ bản đáp ứng tiến độ đổ bê tông và lắp đặt thiết bị nhà máy. Các đơn vị thi công đã hoàn thành công tác đào hố móng công trình, cống dẫn dòng thi công và vận hành an toàn công trình dẫn dòng thi công trong các mùa lũ năm 2006 đến năm 2009; đồng thời hoàn thành 65% khối lượng bê tông truyền thống (CVC), đáp ứng tiến độ lắp đặt các hạng mục công trình đập tràn xả sâu, xả mặt, cửa lấy nước, nhà máy; hoàn thành 76% khối lượng đổ bê tông đầm lăn (RCC) hạng mục đập dâng, đảm bảo tiến độ công trình đập dâng nước. Cùng đó, các đơn vị thi công còn thực hiện được 40% khối lượng lắp đặt thiết bị cơ khí thuỷ công và cơ khí thuỷ lực... được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đảm bảo yêu cầu về quản lý chất lượng công trình và điều kiện kỹ thuật. Ngoài ra, các thiết bị chính của tổ máy số 1 nặng nhất từ trước đến nay như bánh xe công tác nặng 210 tấn, máy biến thế 282 tấn và trục tuabin 110 tấn nhập từ cảng Hải Phòng, được xà lan chuyên dùng vận chuyển đến mặt bằng công trường, phục vụ cho công tác lắp đặt.

Song song với đó, hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức di chuyển dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa. Các tỉnh hiện đã tập trung thống kê, lập và phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân tái định cư (TĐC). Đến nay, hầu hết các hộ TĐC về nơi ở mới đã tự xây dựng nhà ở tốt hơn nơi ở cũ, công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm TĐC đã được quy hoạch xây dựng đồng bộ. Tuy nhiều công trình chưa được hoàn thiện nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt, từng bước ổn định đời sống, sản xuất của các hộ TĐC và hộ sở tại. Điều đáng nói, đời sống và tình hình phục hồi sản xuất của người dân TĐC bước đầu đã tương đối ổn định.

Các Bộ, ngành "tiếp sức"

Nhằm thực nhiện hai mục tiêu quan trọng của công trình, Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La đã giao cho Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý và thực hiện Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I/2010.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngoài việc hoàn thành tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư Dự án di dân TĐC năm 2010 của 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, còn tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp, xây dựng phương án phát triển sản xuất trước mắt; chính sách đặc thù, tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho điểm TĐC và các hộ TĐC sau dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Bộ Giao thông Vận tải, Ban chỉ đạo Nhà nước yêu cầu đưa cầu Pa Uôn vào vận hành trong tháng 4/2010; Dự án Quốc lộ 12 và cầu Hang Tôm trong tháng 7/2010. Bộ Xây dựng chỉ đạo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thường xuyên kiểm tra chất lượng công trình theo quy định. Riêng Bộ Tài chính, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra đánh giá việc tuân thủ các quy định trong thực hiện chính sách bồi thường di dân TĐC và thanh toán vốn đầu tư, hướng dẫn công tác quyết toán các hạng mục hoàn thành. Bộ này còn chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  kịp thời bố trí vốn để giải ngân kịp thời cho các dự án thành phần xây dựng công trình và di dân TĐC thủy điện Sơn La.

Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La còn giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La - Hoà Bình - Thác Bà - Tuyên Quang trong mùa lũ hàng năm, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong năm 2010. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện Dự án di dời, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vùng hồ đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa.

Đối với UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Ban chỉ đạo Nhà nước yêu cầu hoàn thành công tác di chuyển số hộ dân còn lại ra khỏi vùng ngập lòng hồ để đáp ứng tiến độ tích nước; Hoàn thành phê duyệt Dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và triển khai xây dựng các dự án thành phần đảm bảo điều kiện đón dân TĐC. Bên cạnh đó, các tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện di dân TĐC Dự án thuỷ điện Sơn La, trong đó đặc biệt chú ý đến việc thực hiện Quy định về bồi thường, di dân TĐC và việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Mặt khác, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện thu hồi, giao đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng phương án sản xuất lâu dài để sớm ổn định đời sống các hộ dân TĐC.

Về phía UBND các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Bắc Giang, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu trong tháng 1 này hoàn thành bàn giao mặt bằng cho thi công các vị trí chân cột đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hoà và trạm biến áp 500kV Hiệp Hoà; đồng thời hoàn thành chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hành lang đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hoà trong quý I/2010 nhằm đáp ứng tiến độ kéo dây.

Ban chỉ đạo Nhà nước giao nhiệm vụ cho EVN chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp Hệ thống điện đấu nối Nhà máy thủy điện Sơn La đáp ứng tiến độ. Cùng với việc hoàn thành thu dọn lòng hồ trong tháng 4/2010, EVN còn phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án di dời và bảo tồn các di sản văn hoá khu vực lòng hồ đáp ứng tiến độ. Ngoài ra, trình tổng mức đầu tư hiệu chỉnh các dự án thành phần để Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, thông báo bằng văn bản tới UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu về mực nước vận hành hồ chứa thủy điện Sơn La năm 2010 và các năm tiếp theo.

Mặc dù với sự góp sức tích cực của các Bộ ngành, theo ông Thái Phụng Nê, Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La, vào giai đoạn nước rút này, Tổng công ty Sông Đà và các nhà thầu thành viên vẫn cần bố trí đủ lực lượng cán bộ, công nhân lành nghề, vật tư, thiết bị để thi công công trình đáp ứng yêu cầu về mục tiêu tiến độ và chất lượng công trình. Qua đó, chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn thi công và thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định./.

Mai Phương