Tiến độ công trình

Tiến độ Dự án Trung tâm điện lực Thái Bình chậm

Thứ tư, 6/1/2010 | 09:12 GMT+7

Được khởi công từ giữa tháng 5/2009, nhưng đến nay, công tác san lấp mặt bằng Trung tâm Điện lực Thái Bình mới thực hiện được 60% kế hoạch. Mặt bằng Nhà máy 2 thực hiện được 15% kế hoạch.

Sẽ khởi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào đầu năm 2010. Ảnh: S.T
Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện dứt điểm.

Còn 17 hộ dân thuộc xã Thái Thọ, giáp đường 39 có tổng diện tích đất thu hồi trên 3.100m 2 và 3.000 m2 đất nông nghiệp có kiến nghị về giá đền bù thấp, chưa nhận đền bù, chưa bàn giao đất.

Bên cạnh đó, việc đánh giá trữ lượng và phê duyệt đánh giá tác động môi trường khu vực khai thác cồn Mờ chậm cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc khai thác cát lấp trũng.

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau khi bàn và thống nhất các biện pháp giải quyết vướng mắc trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng dùng chung của Trung tâm điện lực Thái Bình, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu ngay trong tháng 12 này giải quyết dứt điểm những tồn tại xung quanh việc đền bù giải phóng mặt bằng, tạo việc làm cho người dân để dự án Trung tâm điện lực triển khai được thuận lợi.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp hỗ trợ chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch thủy lợi cho diện tích đất canh tác còn lại để sản xuất thực sự hiệu quả.

Dự án Trung tâm Điện lực Thái Bình có tổng công suất 1.800MW nằm ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy trên diện tích trên 250 ha.

Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư 2,1 tỷ USD, là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Dự án gồm 2 nhà máy: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 (2x300MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (2x600MW) do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư.

PV Power đặt mục tiêu sẽ khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào đầu năm 2010 và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 năm 2013 và tổ máy số 2 năm 2014.

Dự kiến sau khi đi vào hoạt động chính thức, dự án sẽ là cơ sở thuận lợi để tỉnh Thái Bình phát triển nhiều ngành kinh tế dịch vụ khác trong vùng, đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho nhân dân địa phương và cải thiện đáng kể điều kiện kinh tế xã hội trong khu vực.

Theo: Báo Đầu tư