Tiến độ công trình

Thủy điện Sơn La “Thả” rô-to tổ máy số 1 vào trung tuần tháng 8

Thứ tư, 28/7/2010 | 10:50 GMT+7

Vào lúc cơn bão số 1 rập rình ở ngoài khơi bờ biển Hải Phòng - Nam Định, chúng tôi tới công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La. Trên trời, mây xám vẩn đục, không khí ngột ngạt... Công trường vẫn tiếp tục nhịp điệu lao động hối hả của mình.

Sông Đà 9.08 đổ bê tông đầm lăn khối R4 - Khối cuối cùng của đập bê tông đầm lăn thủy điện Sơn La.

Phải mấy cuộc điện thoại, chúng tôi mới biết Đinh Văn Đại - Phó giám đốc Cty Sông Đà 9.08 đang ở trên đỉnh đập, chỉ huy đổ bê tông đầm lăn khối R4 (còn gọi là khối giữa lòng sông). Mặt cháy đen vì nắng gió, Đại cười rất tươi đón chúng tôi, phân trần:  Đơn vị đang chạy đua với thời tiết. Mới đổ được 52 lớp, còn 88 lớp bê tông nữa mới đến cao độ thiết kế 227m.

Khối R4 nằm trên lòng kênh dẫn dòng bờ phải. Việc chặn dòng kênh này được thực hiện từ tháng 12/2008. Qua hai mùa lũ để nước chảy qua, lòng kênh được nâng cao dần vào mùa khô và đến lúc này, thời gian hoàn thành được tính từng ngày. 20/8 là mức mà Sông Đà 9.08 đề ra. Tôi nhìn đồng hồ lúc này là 16 giờ ngày 17/7. Còn hơn 1 tháng nữa, xong khối R4, Sông Đà 9.08 sẽ lật cánh, chuẩn bị lên Mường Tè tham gia làm thủy điện Lai Châu.

Phần việc nặng nhất trên công trường là lắp đặt các thiết bị của nhà máy, đặc biệt là tổ máy số 1. Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh - Chỉ huy trưởng LILAMA 10 thừa nhận:

- Tiến độ đang căng như sợi dây đàn. Phần gian máy, nơi đặt tổ máy số 1 và 2 chật chội, ngột ngạt. Hầu hết công nhân làm việc phải đeo thêm “rọ” chống bụi. Sự cố khi tháo dỡ cần trục trong gian máy của đơn vị bạn hồi tháng trước đã buộc LILAMA 10 phải chuyển thiết bị từ phía tổ máy số 3 - số 4 vào. Rất may là phần cần trục đổ không rơi đúng rô-to của tổ máy số 1. Nếu không sẽ chẳng còn gì để nói đến tiến độ phát điện vào cuối năm nữa.

Rô-to tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Sơn La.

Bây giờ thì khối rô-to nặng 1.000 tấn, đường kính 15,8m, chiều cao 3,2m đã nằm yên vị trong gian máy. Các kỹ sư, công nhân của đội lắp rô-to đang làm những phần việc cuối cùng. KS Hoàng Xuân Trường, phụ trách đội nói: “Anh em chia 3 ca làm việc liên tục. Mỗi ca 25 người. Chúng tôi quyết không phụ lòng mong đợi của nhân dân cả nước. Các anh thấy đấy, công việc rất vất vả: Khói bụi, hóa chất độc hại. Việc lắp đặt các thiết bị của rô-to đòi hỏi độ chính xác cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Anh em rất biết công sức đổ ra cho một vòng quay tua bin phát điện là như thế nào. Cho nên nếu có nhắn nhủ điều gì, chúng tôi chỉ xin nói một câu: Hãy tiết kiệm điện!”.

Ở vị trí của tổ máy số 1, stato tua bin đã được tổ hợp xong, cũng đang được hoàn thiện những công việc cuối cùng. Trục tua bin cũng đã lắp đặt xong. LILAMA 10 đang chuẩn bị lắp gương rô-to.

- Có thể nói đến giờ phút này, LILAMA 10 vẫn làm chủ được tiến độ đề ra?” - tôi hỏi Nguyễn Thế Trinh.

- Vâng, đúng như vậy. Trung tuần tháng 8 chúng tôi sẽ thả rô-to vào vị trí. Đây sẽ là ngày hội của toàn công trường. Mời các anh cùng lên chia vui với anh em.

Quyết tâm thì như vậy. Nhưng chúng tôi hiểu để có thể đạt được mục tiêu tiến độ này, là sự duy trì một kỷ luật lao động nghiêm ngặt, không để một sự cố đáng tiếc nào xảy ra.

Tổ máy số 1 thủy điện Sơn La phát điện. Mỗi ngày Nhà nước thu về 5 tỷ đồng tiền điện. Phát sớm ngày nào, có lợi ngày ấy. Những người thợ Xây dựng hiểu điều này và đang làm hết sức mình để hoàn thành mục tiêu đề ra

Theo: Báo ĐT Xây dựng