|
Phần thượng lưu thủy đập thủy điện Sơn La đang được khẩn trương hoàn thiện. |
Dường như, cả công trường đang tập trung thi công ở phía bờ phải và phần bê-tông đầm lăn (RCC). Ở phía thượng lưu đập, nhất là phía trước 12 cửa xả sâu, các đơn vị thi công cơ bản san bằng phẳng, một vài chỗ, máy xúc đang "dọn dẹp" những ụ đất còn lại.
Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (BQLDA) Nguyễn Hồng Hà cho chúng tôi biết: các mốc quan trọng của công trường như xây dựng đập, lắp đặt các thiết bị cửa van, khoan phun chống thấm... đều đạt tiến độ và chất lượng đề ra. Ðập vai trái đã đạt cao độ hơn 227 m, chỉ còn 1 m nữa là hoàn thiện; đập bê-tông RCC đạt cao độ hơn 172 m; dốc nước và hố xói cơ bản hoàn thành 95%; cẩu trục 250 tấn đã được lắp đặt xong, hiện đang lắp đặt hai cẩu trục 560 tấn. Các hạng mục chính phục vụ việc đóng cống dẫn dòng, tích nước lòng hồ đã hoàn thành. Về tổng thể, phần xây dựng hoàn thành hơn 80% khối lượng, phần lắp đặt thiết bị đạt hơn 50%. Về phần lòng hồ, chủ đầu tư khẩn trương thu dọn lòng hồ, thanh thải các vật cản, tạo thuận lợi cho giao thông thủy, kể cả phá dỡ các cầu tạm phục vụ thi công; bảo đảm môi trường vệ sinh nguồn nước cho hạ du, hoàn thành công tác di dời các di tích văn hóa như Bia Lê Lợi, bãi đá cổ Pá Ma, khai quật các di chỉ văn hóa lòng hồ... Ðể bảo đảm tích nước lòng hồ đúng tiến độ, hiện BQLDA đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành công tác di dân. Ông Nguyễn Hồng Hà cũng khẳng định, các hạng mục vẫn được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt về chất lượng, đặc biệt là bê-tông thân đập vì liên quan an toàn công trình cũng như hạ du.
Theo quy trình, khi đóng cống dẫn dòng, tích nước lòng hồ thì trong khoảng 20 ngày, nước sẽ không về hồ thủy điện Hòa Bình. Dung tích nước trong lòng hồ Sơn La phải đạt khoảng 538 triệu m3 (dung tích chết) thì nước mới tràn qua 12 cửa xả sâu để về hồ Hòa Bình. Lượng nước này nếu được dùng để phát điện có thể tạo ra 105 đến 110 triệu kW giờ. Ðể bảo đảm kế hoạch phát điện trong những ngày nước không về hồ Hòa Bình, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để điều tiết kế hoạch sản xuất. Dự kiến, đến ngày 15-7, nước trong hồ Sơn La sẽ đạt cao độ 172 m, cuối tháng 8 đạt 190 m, bảo đảm cuối năm đủ nước để phát điện tổ máy 1.
Tại khu vực tổ máy 1, không khí có vẻ "tĩnh" hơn các khu khác vì các kỹ sư, công nhân Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) đang tập trung cao độ để kiểm tra việc tổ hợp thiết bị tổ máy 1 bằng các thiết bị quan trắc hiện đại, do đó công việc đòi hỏi sự chính xác, cẩn trọng và cả sự "yên tĩnh" để chuyên tâm công việc. Nhiều hạng mục đã được Lilama hoàn thành như tổ hợp sta-to 110/110 tấn, tổ hợp rô-to vượt mức kế hoạch 180/170 tấn, thiết bị tua-bin 90/60 tấn... Trong tháng 4 này, đơn vị phấn đấu tổ hợp, lắp đặt 780 tấn. Nhờ các hạng mục bê-tông bên trên đã xong nên các đơn vị đã có mặt bằng lắp đặt giàn mái không gian cho gian máy phần tổ máy 1 và 2, cho nên việc tổ hợp thiết bị cũng thuận lợi hơn, không phải che chắn tạm bằng bạt nhiều như trước. Trong lòng giếng sta-to, kỹ sư và thợ Lilama đang sử dụng một chiếc "com-pa" khổng lồ (từ kỹ thuật là pan-me đo trong) để kiểm tra các kích thước đường kính sta-to để căn chỉnh thiết bị. Cứ nghĩ sai số cho phép một vài mi-li-mét đã là chính xác lắm rồi, nhưng Phó Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Lilama 10 tại Sơn La Chu Ðức Triệu giải thích: Dung sai không vượt quá 0,02 mm. Còn trên sàn tổ hợp, trông thiết bị rô-to khổng lồ (khi tổ hợp lắp đặt xong sẽ nặng hơn 1.000 tấn) đang dần hình thành, thợ Lilama đang xếp các tấm tôn si-líc của rô-to (khoảng 1.000 tấm), dự kiến tháng 8-2010 hoàn thành công tác tổ hợp. Thợ Lilama đã có sáng kiến làm dây chuyền rửa các tấm tôn này, nhờ đó rút ngắn đáng kể thời gian tổ hợp. Trong quá trình lắp đặt, do nhà thầu cung cấp thiết bị tổ máy 1 còn giao thiếu một số vật tư, Lilama được giao đảm nhiệm chế tạo gấp để kịp tiến độ. Phía Lilama khẳng định nếu được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và chủ đầu tư cung cấp thiết bị đầy đủ, đơn vị hoàn toàn đủ khả năng bảo đảm tiến độ lắp đặt máy móc, thiết bị.
Làm việc với Ban Ðiều hành dự án Thủy điện Sơn La của Tập đoàn Sông Ðà-đơn vị tổng thầu xây lắp, chúng tôi được biết trên toàn công trường hiện có khoảng 10 nghìn cán bộ, công nhân các đơn vị. Ðại diện tổng thầu đánh giá, công tác giải ngân tại công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La là khá tốt và thuận lợi. Tuy nhiên, sau Tết, có tình trạng công nhân một số đơn vị đã bỏ việc vì nhiều hạng mục đã đến phần hoàn thiện, tiền công giai đoạn này lại thấp hơn lúc thi công cao điểm của hạng mục đó. Tổng thầu liên tục chỉ đạo các đơn vị này tìm mọi biện pháp bảo đảm nhân lực, huy động tối đa phương tiện vì tiến độ chung của toàn công trường. Ðể đẩy nhanh tiến độ thi công, tổng thầu cũng đã kiến nghị chủ đầu tư khẩn trương hơn nữa giao các bản vẽ thiết kế được phê duyệt như: bê-tông gian biến thế, bê-tông cửa nhận nước, thiết kế đê quai phục vụ nút cống dẫn dòng...
Với những khối lượng công việc hoàn thành như trên, lãnh đạo các đơn vị đều tự tin khẳng định sẵn sàng cho thời điểm đóng cống dẫn dòng thi công thắng lợi-một mốc quan trọng trong tổng tiến độ toàn công trình, bảo đảm an toàn các hạng mục, nhất là mục tiêu chống lũ năm 2010, làm cơ sở vững chắc phục vụ phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12-2010 này.