Sự kiện

Thủy điện Văn Chấn (Yên Bái): Dòng điện “thắp sáng” miền Tây Bắc

Thứ ba, 5/11/2013 | 10:39 GMT+7
Sau 3 năm thi công không ngừng nghỉ, ngày 5/8/2013, thủy điện Văn Chấn đã chính thức phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Công trình thủy điện 3 tổ máy có công suất 57 MW với tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng đã hoàn thành tất cả các hạng mục và vận hành an toàn.


Nhà máy thủy điện Văn Chấn vận hành tốt vì đầu tư bài bản - tự động hóa cao

Trong niềm phấn khởi, người dân trong vùng và tất cả CBCNV Công ty CP Thủy điện Văn Chấn đang chuẩn bị cho Lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Văn Chấn sắp tới.

Trên con đường từ trung tâm huyện Văn Chấn lên với nhà máy thủy điện, từ tỉnh lộ rẽ vào, mười mấy cây số đường dốc núi lên với thủy điện đã được trải nhựa. Theo cây cầu lớn bắc qua dòng Thia, vượt lên con đường lớn từ thị trấn Nông trường Liên Sơn vào hai xã Suối Quyền và An Lương, ngắm nhìn đập nước khổng lồ cao hàng trăm mét, cùng đường hầm xuyên núi, mới thấy sự đầu tư bài bản và ý chí của những người đầu tư thủy điện Văn Chấn.

Ngồi cùng xe chúng tôi, ông Lê Vũ Hùng- Phó giám đốc Công ty CP Thủy điện Văn Chấn - chia sẻ trong niềm vui: Đường sá và cả cây cầu đầu tư gần 30 tỷ đồng kia đều do công ty đầu tư để phục vụ xây dựng thủy điện. Có đường, có cầu, bà con phấn khởi lắm, nhiều hộ dân, khu dân cư đã mọc lên trên tuyến đường.




Trong quá trình thi công thủy điện Văn Chấn, Công ty CP Thủy điện Văn Chấn rất quan tâm đến công tác xã hội, hoạt động nhân đạo, từ thiện, đặc biệt là khuyến học. Công ty đã đầu tư xây dựng 3 nhà bán trú cho học sinh ở 3 xã Suối Quyền, An Lương, Sùng Đô với tổng giá trị 800 triệu đồng. Công ty đã vận động CBCNV và các nhà tài trợ đóng góp xây dựng trường mẫu giáo và tiểu học cho thôn Vàng Ngần, trị giá 150 triệu đồng. Hàng năm, công ty đều ủng hộ mua sách vở, đồ dùng học tập, tặng máy tính cho các trường học và học sinh nghèo ở các xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn...

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay xây dựng thủy điện, những gian nan vất vả không thể kể hết, nhìn vào những gì hiện hữu hôm nay, ông Hùng nói như khẳng định với chúng tôi: “Làm thủy điện phải có nghề, phải đam mê, đầu tư thì phải bài bản thì mới bền vững được”. Quả thực, với một công trình thủy điện được đầu tư bởi đơn vị ngoài EVN, nói đúng hơn là của các cá nhân góp vốn mà có công suất, qui mô và bài bản như vậy thực sự không nhiều.

Công ty CP Thủy điện Văn Chấn đang triển khai đầu tư nâng cấp và hoàn thiện trong thời gian tới đường dây tải điện từ Nghĩa Lộ đi Yên Bái, nâng công suất truyền tải điện đường dây lên gấp 2 lần so với trước khi nâng cấp. Đây là dự án động lực, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện đang xây dựng khu vực phía Tây Yên Bái tiếp tục phát triển, do đường truyền tải cũ không truyền tải điện khi dự án thủy điện Văn Chấn chạy đủ công suất, nếu không xây dựng sớm thì các dự án tiếp theo như Ngòi Hút 2, Trạm Tấu... sẽ khó đưa được điện lên lưới quốc gia.

“Vinh quang thuộc về những người đúng hẹn”- chúng tôi đã đọc được dòng chữ ấy trên tấm băng rôn treo trên thân đập. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, Nhà máy thủy điện Văn Chấn- thủy điện có công suất lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, dự kiến đóng góp mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng tiền ngân sách- sẽ phát điện với 3 tổ máy cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia 245 triệu kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn điện năng của đất nước, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của Yên Bái nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
 
Theo: Công Thương Online