Sự kiện

Thủy điện giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Thứ năm, 28/11/2013 | 08:43 GMT+7
Đó là ghi nhận của Quốc hội đối với vai trò của thủy điện trong phát triển kinh tế - xã hội được ghi trong Nghị quyết về quản lý quy hoạch công trình thủy điện vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11 với số phiếu tán thành cao.


Các dự án thủy điện của EVN có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Ảnh: Ngọc Thọ

Đóng góp ý nghĩa

Cụ thể, theo Nghị quyết, Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện; đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tại các địa phương có dự án thủy điện đã khắc phục khó khăn thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu đã góp phần cắt, giảm lũ, điều tiết lưu lượng, cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường. Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đã tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng các khu, điểm tái định cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực công trình thủy điện bước đầu tạo ổn định đời sống nhân dân.

Quốc hội cũng nhận định, việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

Theo như Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện của Bộ Công Thương thì phần lớn dự án nằm ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nên đối tượng dân cư bị ảnh hưởng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, phần nhiều còn nghèo. Để đảm bảo sớm ổn định đời sống người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án có quy mô di dân, tái định cư lớn (ở Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu). Và trên thực tế, việc bồi thường, hỗ trợ theo chính sách hiện hành đã tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt.

Với trách nhiệm của mình, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị có liên quan đã có nhiều nỗ lực, cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện.

Kiên quyết loại bỏ các dự án không hiệu quả

Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, theo như Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch. Tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du. Thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện.

Và cuối cùng các bộ, ngành cũng cần tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện.

 
Ngọc Thọ / ICON.com.vn