Ảnh 1. Những người nước ngoài tham gia khoá đào tạo đang leo lên đập cao 72 m của một công trình phát triển đa mục tiêu: kiểm soát lũ, tưới tiêu, cấp nước, phát điện và vui chơi giải trí.
Thuỷ điện nhỏ Trung Quốc có được sự tín nhiệm đặc biệt về môi trường. Nhất là trong 5 năm qua, thuỷ điện nhỏ đã đóng vai trò then chốt trong chiến dịch bảo vệ môi trường rừng của quốc gia.
Năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã phát động dự án thay thế củi theo truyền thống được sử dụng để đun nấu và sưởi ấm trong gia đình bằng điện năng từ các công trình thuỷ điện nhỏ. Theo ước tính, có thể tiết kiệm được 400.000 tấn củi trong 6 tháng và thay thế bằng 700 MWh năng lượng tái tạo mỗi năm. Đến năm 2015, dự án sẽ cung cấp điện cho 28 triệu hộ gia đình nông thôn và hằng năm sẽ tiết kiệm được 140 triệu tấn củi.
Tuy nhiên, ngay cả người dân thành phố chẳng phải ai cũng dám sử dụng bếp điện, huống chi nông dân ở những khu vực nông thôn nghèo đói. Do đó, như các quan chức đã phải thừa nhận, giá điện là chìa khoá để thực hiện thành công dự án này. Chính phủ đang áp dụng giá ưu đãi và trợ cấp.
Các biện pháp khuyến khích
Có vẻ như được nhà nước khuyến khích là một trong các nguyên nhân thúc đẩy phát triển thành công tài nguyên thuỷ điện nhỏ ở Trung Quốc. Kể từ những năm 1950, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách “ba tự lực” giúp phát triển các công trình thuỷ điện nhỏ trên khắp đất nước. Đó là tự xây dựng, tự quản lý và tự tiêu thụ. Chính sách muốn chỉ ra rằng bất cứ ai (hoặc chính quyền trong nước hoặc các tập thể địa phương) đầu tư và xây dựng một trạm thuỷ điện nhỏ sẽ có quyền quản lý và tiêu thụ điện, thay vì phải chuyển giao cho các công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước.
Chính sách còn bao gồm nhiều biện pháp ưu đãi khác như:
· Được hưởng trợ cấp và vay dài hạn với lãi suất thấp của chính phủ.
· Giữ lại khoản lợi nhuận từ các trạm hiện có thay vì phải giao cho nhà nước để tiếp tục mở rộng ngành điện.
· Áp dụng thuế suất giá trị gia tăng (VAT) 6% đối với thuỷ điện nhỏ (so với 17% đối với thuỷ điện lớn và các lĩnh vực khác).
· Giảm 50% thuế thu nhập (ở mức 33%) hoặc xuống 0% ở một số địa phương.
· Biến các khoản nợ thành cổ phiếu, nếu cần, đối với các trạm gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay.
· Áp dụng chính sách nhà nước và nhân dân cùng góp vốn trong lĩnh vực thuỷ điện nhỏ.
|
Ảnh 2. Ở Rwanda, chỉ có 4% dân số được tiếp cận điện năng. Nhiều địa điểm thuỷ điện nhỏ lý lưởng nhỏ còn chưa được khai thác. |
Trên thế giới, nói chung các công trình thuỷ điện dưới 10 MW - 20 MW được coi là thuỷ điện nhỏ nhưng ở Trung Quốc phạm vi đó được nâng lên tới 50 MW. Tính tại thời điểm cuối năm 2006, Trung Quốc có hơn 43.000 trạm thuỷ điện nhỏ đang vận hành ở nông thôn, với tổng công suất lắp đặt 47 GW. Trong năm 2007, thêm 6 GW đã được đưa vào hoạt động và hiện tại hơn 20 GW đang trong giai đoạn xây dựng. Thuỷ điện nhỏ chiếm gần 25% (170 GW) tiềm năng thuỷ điện lý thuyết của Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, hơn ¼ dân số sử dụng điện từ thủy điện nhỏ nhưng con số này không được nhân rộng trên thế giới. Ở nhiều nước đang phát triển, một phần lớn tiềm năng thuỷ điện nhỏ còn chưa được khai thác. Ví dụ như Châu Phi có tiềm năng thuỷ điện khổng lồ nhưng mới khai thác được chưa đầy 20% tài nguyên có thể khai thác và đa số dân số ở đó chưa được tiếp cận nguồn điện.
Chỉ có 4% dân số Rwanda được tiếp cận nguồn điện, và ở các nước láng giềng, con số tương ứng đối với Cộng hoà Dân chủ Congo là 7%, Kenya là 8% và Ethiopia là 13%. Đã vậy, ở nhiều nước khác, rất nhiều trạm thuỷ điện nhỏ đã được xây dựng nhưng nhiều trạm không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng kém hiệu quả. Đa số các trạm ở Malaysia (35 trong số 42 trạm) cần được đại tu.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc phát triển tiềm năng thuỷ điện ở những khu vực này là thiếu công nghệ thích hợp và kiến thức. Trung tâm Thuỷ điện nhỏ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Hàng Châu [Hangzhou Regional Center (Asia-Pacific) for Small Hydropower – HRCSHP] được thành lập ở Trung Quốc vào năm 1981, và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ việc phát triển thuỷ điện nhỏ ở nước này. Được Liên Hợp Quốc và chính phủ Trung Quốc bảo trợ, mục tiêu của HRCSHP đề xuất và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển thuỷ điện nhỏ bằng cách nghiên cứu và phát triển, phổ biến thông tin và tư vấn cho vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ khi thành lập đến nay, HRCSHP đã tổ chức 49 khoá đào tạo cho 900 thành viên tham gia từ hơn 100 nước. HRCSHP vẫn đang làm việc để phổ biến công nghệ thuỷ điện nhỏ trên toàn cầu.
Ảnh 3. Tham quan nhà máy sản xuất thiết bị thuỷ điện
Để ghi nhận nỗ lực quốc tế này, Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế Trung Quốc tặng danh hiệu Hình mẫu Hợp tác Nam-Nam cho HRCSHP. Trong một bài diễn văn ở Hàng Châu năm 2002, ông Kofi Annan, khi đó là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nêu rõ HRCSHP đã chia sẻ kinh nghiệm quý giá của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với các nước đang phát triển. Ông nói: “Trung Quốc đang đóng vai trò tiên phong trong hợp tác công nghệ khu vực với các nước đang phát triển. Các bạn đã hào phóng mở nhiều khoá đào tạo cho những người từ các nước đang phát triển.”
Trong năm 2007, đã có 124 người từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh, châu Đại Dương và Đông Âu đến tham dự các khoá đào tạo khác nhau về thuỷ điện nhỏ do HRCSHP tổ chức. Chương trình của năm 2008 bao gồm nhiều khoá đào tạo, trong đó có những khoá đáp ứng nhu cầu của Châu Phi, có khoá được tổ chức bằng tiếng Pháp. Những người tham dự được hưởng học bổng, kể cả vé máy bay quốc tế, tiền ăn, tiền ở...