Ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng điện tại miền Bắc lựa chọn hình thức thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
EVNNPC cho biết tính đến hết tháng 9/2022, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt của toàn Tổng công ty đã đạt 82,66%, vượt 11,26% so với chỉ tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.
Đáng chú ý, không chỉ ở khu vực đô thị, thị xã, thị trấn tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt tăng mạnh, tại các công ty điện lực mà địa bàn có nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, số khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt cũng không ngừng tăng qua các năm.
Cụ thể, tại Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La), thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Chính phủ và UBND tỉnh, PC Sơn La đã ký hợp đồng hợp tác với 8 ngân hàng và 7 tổ chức trunng gian để cung cấp dịch vụ thu hộ tiền điện. Tỉ lệ cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 trong tháng 9 vừa qua đã đạt 100%, lũy kế đạt 90,41%.
PC Sơn La cho biết số hóa đơn thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trong tháng 9/2022 là hơn 185.000 hóa đơn, đạt tỉ lệ 56,15%. Đây là con số khá ấn tượng đối với địa bàn nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ như ở Sơn La.
Công ty Điện lực Hòa Bình cũng áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Trong đó, đơn vị sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, nhờ vậy, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác.
Với những nỗ lực của Công ty Điện lực Hòa Bình, đến hết tháng 7/2022, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 66,94%.
Tuy nhiên theo đánh giá của EVNNPC, dù đã tạo được chuyển biến tích cực, song công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng; các phòng giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian chủ yếu tập trung ở các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn; chưa có chính sách hỗ trợ nhóm khách hàng phù hợp.
EVNNPC cho biết lợi ích của việc đẩy mạnh thanh toán tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian là rất lớn, không chỉ cho khách hàng sử dụng điện mà còn giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch của ngành điện. Do đó, ngoài nỗ lực của EVNNPC, rất cần sự vào cuộc của các đối tác, các cấp chính quyền và cả cộng đồng xã hội.
Link gốc