Sử dụng vỏ lạc, một nhà máy điện ở Ticino đã cung cấp năng lượng sạch cho 3.000 cư dân và giải quyết vấn đề xã hội và môi trường lâu dài. Ảnh: El Pais
Vào ngày 16/6/2010, một sự cố mất điện chưa từng có đã gây hỗn loạn khắp đất nước Argentina. Một lỗi vận hành dẫn đến sự cố lớn, khiến toàn bộ Hệ thống Kết nối Argentina bị ngắt trong hơn 13 tiếng. Tình trạng mất điện cũng ảnh hưởng đến một số thành phố ở Uruguay và Paraguay. Tổng cộng, hơn 50 triệu người hoàn toàn chìm trong bóng tối.
Trong khi đó, ở Ticino, một thị trấn nhỏ nằm ở tỉnh Cordoba, 3.000 cư dân vẫn tiếp tục cuộc sống như thường lệ. Nhờ sản xuất điện từ vỏ lạc, mà dịch vụ năng lượng cung cấp cho thị trấn này không bị ảnh hưởng. Ngày nay, việc sử dụng nguồn tài nguyên sinh khối này cung cấp cho thị trấn nguồn năng lượng sạch và còn giúp giải quyết vấn đề xã hội và môi trường đã kéo dài nhiều năm.
Câu chuyện bắt đầu hơn 15 năm trước tại tỉnh Cordoba, nơi “vành đai lạc” trải rộng qua một số thành phố và thị trấn, trong đó có Ticino. Sau Trung Quốc và Mỹ, Argentina là nước sản xuất lạc lớn thứ ba trên thế giới. Do điều kiện khí hậu thuận lợi nên sản phẩm xuất khẩu từ nước này có nhu cầu lớn ở thị trường châu Âu và Mỹ Latinh. Kỷ lục về sản lượng, tăng trưởng doanh số và xuất khẩu cao đã tạo ra một vấn đề về môi trường: phải làm gì với số vỏ lạc bị vứt bỏ, vương vãi trên đồng và dễ gây cháy, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Kế hoạch sử dụng vỏ lạc, một sáng kiến của công ty lạc Lorenzatti Ruech, bắt đầu thành công với khoản đầu tư ban đầu là 8 triệu USD, bao gồm việc thành lập Công ty Điện sinh khối Ticino và một nhà máy điện lớn.
Năm 2018, vốn tư nhân đã được bổ sung với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua chương trình “RenovAR”, hỗ trợ các ngành công nghiệp trên khắp đất nước thực hiện các dự án sản xuất điện từ nguồn tái tạo. Thỏa thuận quy định rằng chính phủ phải mua năng lượng tái tạo ở mức giá ổn định và một khi hòa lưới điện, nguồn năng lượng này có thể cung cấp điện cho người dân.
Hai vấn đề, một giải pháp
Bên trong nhà máy điện từ vỏ lạc ở Ticino. Ảnh: El Pais
Ngoài vấn đề môi trường là nạn đốt vỏ lạc tạo nhiều khói gây ra sự khó chịu lớn, còn có một vấn đề lớn khác: Ticino chưa bao giờ có một mạng lưới điện tốt.
“Mạng lưới điện của thị trấn xuống cấp, chúng tôi luôn bị mất điện rất nhiều lần. Tình trạng đó đủ để làm tê liệt hoạt động sản xuất của một ngành trong vài giờ", ông Pablo Margiaria, Thư ký Quản lý và Truyền thông của Ticino, nói với tờ El Pais
Trong bối cảnh sản lượng lạc tăng lên, việc mở rộng ngành công nghiệp và sự xuất hiện của những người chơi mới trong ngành sản xuất lạc, việc giải quyết vấn đề năng lượng là điều cần thiết. Ông Margiaria giải thích rằng khoảng 80% sản lượng lạc của Argentina được sản xuất ở “vành đai lạc”. Tổng cộng, ước tính có khoảng 45.000 tấn vỏ lạc bị loại bỏ mỗi năm. Bây giờ, chúng được sử dụng để tạo ra điện.
Sản xuất điện từ vỏ lạc như thế nào
Ông Diego Menta, giám đốc Nhà máy điện sinh khối Ticino, cho biết: “Số lượng vỏ lạc mà chúng tôi dự định có là một phần thiết yếu của dự án". Menta đã làm việc trong ngành lạc được 23 năm và khi biết đến dự án năng lượng tái tạo, ông ngay lập tức muốn tham gia. “Nhà máy được liên kết với công ty chế biến lạc, nơi cung cấp cho chúng tôi trung bình 80% hoặc 85% vỏ cần thiết cho quy trình này. Phần còn lại phải mua”, ông nói.
Quá trình này phức tạp ngay từ công đoạn đầu. Đầu tiên, vỏ lạc được đưa đến nhà máy điện bằng hai phương pháp: bằng xe tải và vận chuyển bằng khí nén (chúng được thổi từ tòa nhà này sang tòa nhà khác). Sau đó, vỏ lạc được dỡ vào các ngăn và kho bảo quản để duy trì chất lượng và độ ẩm. Sau đó, vỏ được chuyển vào nồi hơi, nơi chúng được đốt theo từng giai đoạn cho đến khi chỉ còn lại tro.
“Với lượng nhiệt đó, nước được làm nóng và tạo ra hơi nước bão hòa. Nó quay trở lại nồi hơi một lần nữa và biến thành hơi nước ở nhiệt độ rất cao, giống như khí nén và được vận chuyển đến tua-bin, tua-bin quay với tốc độ 6.500 vòng/phút và sau đó giảm tốc độ xuống còn 1.500” - Menta giải thích. “Toàn bộ tốc độ đó được chuyển thành lực và kết nối với máy phát điện. Đó là quá trình đơn giản: chuyển từ nhiệt năng sang cơ năng. Khi đã cung cấp hết năng lượng, hơi nước đó sẽ được hấp thụ, nguội đi, biến thành nước và quay trở lại lò hơi để bắt đầu lại chu trình.”
Công nhân tại nhà máy điện Ticino. Ảnh: El Pais
Chu kỳ được lặp đi lặp lại liên tục, 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. Menta có một đội ngũ gồm 32 người, bao gồm cả nhân viên vận hành lò hơi và vận chuyển sinh khối. Năng lượng được đưa vào lưới điện thông qua một công ty kinh doanh điện.
Thị trấn nơi điện không bao giờ tắt
Mặc dù Ticino là một phần của Hệ thống Kết nối Năng lượng quốc gia, nhưng khi mất điện hoặc cắt điện ảnh hưởng đến các nhà cung cấp năng lượng trong khu vực, một giao thức sẽ được kích hoạt và toàn bộ thị trấn được kết nối với nhà máy điện sinh khối thông qua một mạch kín.
Sự cố xảy ra vào ngày 16/6/2019 - khi cả đất nước chìm trong bóng tối ngoại trừ Ticino - cũng không ngoại lệ. Gần đây hơn, ngày 1/3 năm nay, khoảng 20 triệu người dùng ở Argentina đã chìm trong bóng tối giữa đợt nắng nóng vì cháy mạng lưới điện cao thế gần nhà máy điện hạt nhân Atucha II, thuộc tỉnh Buenos Aires. Trong lúc đó, Ticino cũng vẫn duy trì việc cung cấp điện.
Ông Menta nói: “Vụ mất điện năm 2019 mang tính lịch sử nhưng chúng tôi không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của những gì xảy ra ngày hôm đó. Thị trấn đã trải qua một cuộc cách mạng… Đối với chúng tôi, sự cố mất điện năm nay chỉ là một cuộc diễn tập, nhưng khi thị trấn này là nơi duy nhất có điện, điều đó có tác động xã hội rất lớn.”
Trong khi đó, ông Margiaria nhấn mạnh rằng việc tạo ra điện tái tạo đã giải quyết được hai vấn đề: thiếu năng lượng tái tạo và các vấn đề môi trường do vỏ lạc gây ra. “Điều này đã đưa Ticino lên bản đồ", ông nói.
Ông Menta giải thích rằng không dễ để thúc đẩy hệ thống năng lượng tái tạo này vì chi phí cao, nhưng ông hy vọng rằng các chính phủ sẽ hỗ trợ những dự án tương tự. “Những gì có vẻ như là một giải pháp năng lượng nhỏ hiện tại có thể sẽ lớn hơn trong tương lai”, người đứng đầu nhà máy điện vỏ lạc nói.
Link gốc