Thi công đập tràn xả lũ công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt. (Ảnh: tư liệu/Ngọc Hà/TTXVN)
Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, chủ đầu tư công trình cho biết, sau việc hạ panen hoành triệt, các nhà thầu tiếp tục phun cao áp gần 3.000 m3 bêtông tại các vị trí quy định và sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian 30 ngày, đảm bảo việc hoành triệt tuynen dẫn dòng an toàn tuyệt đối.
Công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt được khởi công xây dựng năm 2005 và đến cuối tháng 11/2009 đã cơ bản hoàn thành. Đây là công trình đa mục tiêu, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862ha đất canh tác của tỉnh Thanh Hoá; giảm lũ cho hạ lưu sông Chu; cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt; kết hợp với phát điện với công suất 97MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn cải tạo môi trường sinh thái.
Công trình thủy lợi Cửa Đạt có kết cấu công trình đập chính là đập đá đổ bêtông bản mặt, chiều dài đập 966m, chiều cao đập 118,5m, chiều rông mặt đập 10m; tràn xả lũ gồm 5 cửa, tổng chiều rộng 55m; tổng dung tích chứa nước trên 1,3 tỷ m3... Đây là công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia, trong đó đập đá đổ bêtông được được ghi nhận là đập cao nhất trong các công trình thủy lợi ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Nhà máy thủy điện Cửa Đạt gồm 2 tổ máy với tổng công suất phát điện 97 MW, do các Tổng Công ty Vinaconex, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng 4, Tổng Công ty Cơ điện-Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, trong đó Tổng Công ty Vinaconex nắm giữ cổ phần chi phối, làm chủ đầu tư theo hình thức BO (xây dựng-kinh doanh).
Đến thời điểm này các hạng mục của nhà máy và tuyến đường dây, trạm phân phối điện bên ngoài nhà máy cũng đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đầu năm 2010, nhà máy thủy điện Cửa Đạt chính thức đi vào hoạt động hòa vào lưới điện quốc gia với công suất phát điện khoảng 400 triệu kWh/năm ./.