Tiến độ công trình

Tiến độ xây dựng Dự án lưới điện nông thôn giai đoạn I: Chậm vì sao?

Thứ năm, 3/5/2012 | 15:09 GMT+7
Với mong muốn đưa điện lưới quốc gia về với tất cả các thôn, khe, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên địa bàn Quảng Ninh, những năm vừa qua, cùng với các cấp, ngành, Công ty Điện lực Quảng Ninh (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) đã tích cực, chủ động triển khai dự án xây dựng lưới điện nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Dự án xây dựng lưới điện nông thôn tại Quảng Ninh được chia làm hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn I, sẽ triển khai cấp điện cho 1.498 hộ dân chưa được sử dụng điện ở 22 thôn, khe bản của 7 xã nằm sát khu vực biên giới Việt - Trung thuộc 3 địa phương là Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái. Với quy mô xây dựng 50,646km đường dây trung thế, 21 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.272KVA và 50,215km đường dây hạ áp. Tổng mức đầu tư là 38,1 tỷ đồng. Giai đoạn II, dự án sẽ đầu tư trên diện rộng tại 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, xây dựng 268,5km đường dây trung áp; 139 trạm biến áp với tổng dung lượng 11.182KVA; 431,17km đường dây hạ áp và 11.854 công tơ đo đếm.
 


Công nhân Điện lực Bình Liêu, kiểm tra trạm điện tại xã Tình Húc.

Giai đoạn I, dự án được đầu tư xây dựng từ tháng 9-2011 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý I-2012. Mặc dù, Công ty Điện lực Quảng Ninh cùng với các nhà thầu đã tích cực triển khai nhưng đến thời điểm này mới hoàn thành được 7/22 công trình. Như vậy, việc thực hiện dự án xây dựng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn I đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Tính đến trung tuần tháng 4 mới xây dựng được 2 công trình cấp điện cho 283 hộ dân tại TP Móng Cái; 12 công trình cấp điện cho 808 hộ dân tại huyện Bình Liêu; 3 công trình tại huyện Hải Hà. So với giai đoạn II, tổng mức đầu tư và quy mô xây dựng của giai đoạn I nhỏ hơn rất nhiều và chỉ tập trung ở 3 địa phương có thôn, bản nằm sát biên giới Việt - Trung. Nhưng chính do khu vực đầu tư nằm sát biên giới, địa hình ở 22 thôn, khe bản này rất phức tạp, thời tiết diễn biến thất thường. Bên cạnh đó tập quán của bà con dân tộc là xây nhà ở những vị trí cao, nằm rải rác, thưa thớt nên việc vận chuyển vật tư đến sát chân cột và quá trình đào móng, dựng cột, kéo dây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc phân chia các gói thầu xây lắp chưa hợp lý, một gói thầu thi công ở nhiều địa điểm khác nhau dẫn đến hạn chế trong công tác vận chuyển, điều động lực lượng và máy móc thi công; sự thay đổi, cơ cấu tổ chức ở  gói thầu số 6, 7 cũng làm chậm công tác triển khai dự án; các nhà thầu cũng chưa chủ động bám sát và phối hợp với các cấp chính quyền để tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công...

Với những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên, để có thể đưa giai đoạn I, dự án xây dựng lưới điện nông thôn sớm về đích cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng. Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng cần đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nhanh chóng đưa điện đến với người dân.
ST