Tiến trình đến Net- zero của các nhà máy nhiệt điện than

Thứ tư, 4/12/2024 | 09:27 GMT+7
Chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang năng lượng sạch là giải pháp để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Định hướng chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam phù hợp với các cam kết của Việt Nam và xu hướng của thế giới. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi từ nhiệt điện than sang các dạng năng lượng xanh để có các bước đi ngắn hơn, ít tốn kém hơn.

Kỹ sư vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh).

Tại một hội thảo gần đây của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), ông Lê Xuân Chung (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) thông tin về khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu thay thế như biomass và amoniac xanh được đưa ra tại Quy hoạch điện VIII.

"Về nhiên liệu sinh khối của Việt Nam thì đặc điểm là phân bố rải rác. Theo nghiên cứu hiện nay có khoảng 80 công ty sản xuất khoảng 4,4 triệu tấn sinh khối/năm, chủ yếu đang xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, có một số nhà máy sản xuất sinh khối đang dự kiến xây dựng, phát triển (như Công ty CP EREX đang triển khai và dự kiến xây dựng 14 dự án/ 12 tỉnh với tổng công suất 1080 MW). Về định hướng chuyển đổi amoniac - ở đây chúng tôi nhấn mạnh là amoniac xanh và H2 xanh - công nghệ hiện tại chưa hoàn thiện và thương mại hóa hóa quy mô lớn, do đó, giá thành còn cao và cũng chưa có dự án thử nghiệm tại Việt Nam. Cả amoniac và H2 xanh đều là các loại nhiên liệu mới, không có khả năng sẵn có và sẽ phải phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các công nghệ sản xuất hay sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi". 

Đồng quan điểm với các nhận định của Viện Năng lượng về việc chuyển đổi nhiên liệu sang ammoniac xanh và H2 xanh, trong đó, chưa đánh giá đầy đủ về mức tăng giá điện do chi phí nhiên liệu amoniac xanh, H2 xanh; Chưa đánh giá đầy đủ về cơ sở hạ tầng cho việc phát triển nhiên liệu amoniac xanh, H2 xanh; Cũng chưa có nghiên cứu về tác động môi trường từ quá trình đốt amoniac xanh và H2 xanh… Và đặc biệt là thiếu các chính sách, hành lang pháp lý, quy định và cơ chế pháp luật về kỹ thuật, tài chính, môi trường để làm cơ sở thực hiện hoặc đàm phán và xây dựng chiến lược về cung cấp nhiên liệu… chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh đề xuất.

"Trong Quy hoạch Điện 8 đưa ra yêu cầu chuyển đổi theo amoniac nghĩa là chúng ta đang hướng tới câu chuyện là sẽ có nguồn cung từ hidrogen xanh rồi tạo ra amoniac xanh từ các dự án điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi. Đây là nguồn trong tương lai chứ không phải là trong vòng 5-10 năm tới, có nghĩa là khả năng để có thể chuyển đổi cho các nhà máy điện than sẽ tập trung chủ yếu vào câu chuyện là đồng đốt với nhiên liệu bổ sung, thay thế là nguồn sinh khối. Thế thì các nguồn sinh khối này ở đâu, và sẽ được cung ứng như thế nào để đảm bảo số lượng đủ cho nhu cầu phát điện thay cho than cũng cần có những nghiên cứu, rồi quy hoạch các vùng nguyên liệu cho nhiên liệu sinh khối này".

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, các thách thức nhìn thấy rất rõ, nhất là nguồn amoniac và H2 xanh “trông đợi” từ năng lượng tái tạo với điện gió ngoài khơi đến năm 2030 từ trong nước là không thể có. Nguồn biomass (vỏ trấu, dăm gỗ, mùn cưa, viên nén gỗ…) là những nguồn nguyên liệu có thể tận dụng khai thác từ nhiều ngành, nghề của Việt Nam, nhưng khối lượng để đáp ứng cho chuyển đổi trong dài hạn với hàng chục nghìn MW là phải phụ thuộc nhập khẩu, thách thức không chỉ là giá mà còn chính cả nguồn biomass. 

Đánh giá cao phương án đưa điện hạt nhân vào nghiên cứu để đảm bảo an ninh năng lượng và sạch hơn, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, trong thời gian chờ đợi có nguồn điện hạt nhân thương mại, cần sửa đổi Quy hoạch Điện VIII theo hướng tiếp tục cho xây dựng ngay các nhà máy nhiệt điện than mới có công nghệ cao, phát thải thấp trên nền những nhà nhiệt điện than cũ (như Phả Lại 1, Ninh Bình) đã có tuổi thọ trên 40 năm thuộc diện phải đóng cửa không thể chuyển đổi nhiên liệu, hoặc phụ thuộc nhiên liệu có giá thành cao và nguy cơ rủi ro cao do thiếu nhiên liệu đáp ứng.

"Làm cho các nhà máy điện than xanh hơn thì đơn giản nhất là vẫn cho nó đốt than và chuyển nó sang công nghệ tốt hơn. Thí dụ công nghệ lò trên siêu tới hạn chẳng hạn, đốt than tốt hơn, lò hơi tốt hơn thì sẽ xanh hơn. Tức là trước kia là một cân than ra được 2kWh điện thì bây giờ 1 cân than có thể lên tới 2,5kWh chẳng hạn, như thế là tốt lắm rồi. Còn với giá điện bán ra như hiện nay, với chính sách không cho làm điện than mới như ngày nay thì chuyển đổi vô cùng khó khăn".

Còn đối với các nhà máy nhiệt điện than đã đầu tư trên dưới 20 năm, từ thực tế khó khăn trong đầu tư chuyển đổi công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải nhà máy điện thời gian qua và kế hoạch thay đổi của Quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và môi trường về khí thải nhà máy nhiệt điện (QCVN22:2009/BTNMT), ông Nguyễn Việt Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh và ông Vũ Quang Chiến - PGĐ Công ty Nhiệt điện Uông Bí nêu thực tế, và đề xuất.

"Chuẩn bị làm theo Quy chuẩn 22, thực hiện theo Quy chuẩn 22 thì lại thay đổi Dự thảo Quy chuẩn tiếp. Vậy thì sau này khi chúng tôi làm theo Quy chuẩn - dự án mới thì việc đấy có thay đổi nữa không? mà mỗi lần thay đổi như thế này là phải đầu tư, là phải xử lý, làm đình trệ sản xuất, làm ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất cũng như cung ứng điện".

Ông Vũ Quang Chiến - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí cho biết, "tất cả những quá trình chuyển đổi từ sản xuất điện truyền thống sang sản xuất điện xanh chúng tôi sẽ thực hiện được, nhưng đầu tư rất lớn, cần phải có những cơ chế để hỗ trợ chứ không thì các nhà máy - kể cả về mặt kỹ thuật có thể chủ động cũng không thể thực hiện được. Theo tôi, Nhà nước có thể thành lập được những ngân hàng xanh thì các nhà máy mà chuyển dịch, ví dụ bình thường thì lãi suất động khoảng 10%/năm thì ngân hàng xanh chỉ 2% thôi".

Tài chính cho đầu tư phát triển nói chung, chuyển đổi năng lượng nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn, luôn là bài toán đau đầu. Theo các kịch bản chuyển đổi nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII, ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới net-zero vào năm 2050 khoảng 533,9 đến 657,8 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 499,1 đến 631 tỷ USD. 

Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 2/2025. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu đầu tư vào điện hạt nhân và các nguồn năng lượng mới cho công suất sản lượng lớn hơn, sạch hơn và giá thành phù hợp; các cơ quan quản lý cần bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ chế, chính sách về cách thức xã hội hoá, huy động nguồn vốn ngoài nhà nước. Cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi nhiệt điện than, bao gồm các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng... Và đặc biệt, cần có cơ chế chính sách hợp lý về giá điện để thu hút được các nhà đầu tư.

Nguyên Long