Các bộ trưởng năng lượng từ 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (gọi là ASEAN+3) đã gặp gỡ để thảo luận các vấn đề an ninh và hợp tác năng lượng. Chương trình nghị sự gồm thảo luận về năng lượng hạt nhân trong khu vực; Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam cho biết họ muốn phát triển năng lượng nguyên tử vào năm 2020.
Theo các quan chức của tổ chức Hoà Bình Xanh, bằng cách chuyển sang năng lượng tái tạo, châu Á có thể tiết kiệm 2 nghìn tỷ đô la chi phí cho nhiên liệu hoá thạch trong vòng 23 năm tới đồng thời lại giảm được 22% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 2003. Báo cáo chung mới đây của Tổ chức Hoà bình Xanh và Hội đồng Năng lượng Tái tạo châu Âu cho biết việc thông qua các kế hoạch về năng lượng hạt nhân là nguy hiểm vì những rủi ro vốn có của năng lượng hạt nhân, cộng với địa chất không ổn định của các vùng ở ASEAN và các vấn đề chính trị.
Bản tuyên bố cuối cùng của cuộc hội nghị này đã ghi nhận những thành tựu đáng kể đã đạt được trong việc củng cố và đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia về vấn đề năng lượng trong năm lĩnh vực của chương trình, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo, bên cạnh vấn đề an ninh năng lượng, thị trường dầu mỏ, dự trữ dầu, khí tự nhiên, hiệu quả và bảo tồn năng lượng. Nhận thấy tình trạng phổ biến bất ổn về giá năng lượng, trữ lượng nhiên liệu hoá thạch hạn chế và mối quan ngại gia tăng về môi trường, các bộ trưởng khẳng định lại sự cam kết của họ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực.
Các bộ trưởng thỏa thuận sẽ nâng cao hiệu suất năng lượng mỗi khi có thể trong mọi lĩnh vực, thông qua việc đưa ra các mục tiêu cụ thể và xây dựng các kế hoạch hành động để nâng cao hiệu suất. Các bộ trưởng hoan nghênh những phát triển tích cực trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, thừa nhận những sáng kiến của các quốc gia để phát triển, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học một cách bền vững và nhất trí củng cố hơn nữa sự hợp tác trong khu vực để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thuỷ điện và sinh khối.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Singapor S Jayakumar nói: “Là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất, ASEAN cần ngày càng nhiều năng lượng”. Bốn ưu tiên chính cho các nước này là nâng cao hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh trong khu vực, thúc đẩy môi trường sạch và ký kết biên bản ghi nhớ về lưới điện khu vực.
ASEAN bao gồm Singapor, Thái Lan, Malayxia, Inđônêxia, Philippin, Brunây, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma. Khu vực này xếp thứ ba về lượng phát thải CO2 trong các quốc gia đang phát triển, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo QLND, Số - 2007