Diễn đàn năng lượng

Tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu

Thứ sáu, 23/8/2019 | 14:41 GMT+7
Sáng 21/08, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề "Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức. 

Ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Diễn đàn.
 
Hiện nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. 
 
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023. Cụ thể, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, vào khoảng 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 7,5% trong giai đoạn 2026-2030 (trong khi có thời điểm trước đây tăng trưởng tới hơn 12%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình là 11%) nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
 
Tính đến nay hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn cho thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu phụ thuộc từ bên ngoài… thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện. Ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng các chương trình hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong vệc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hôi tự động hóa cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có Luật tiết kiệm năng lượng nhưng ý thức về tiết kiệm điện còn thấp, các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả còn ít, thậm chí chất lượng còn yếu kém. 
 
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Ban Kinh tế TW đang cùng các bộ, ngành trong đó trọng tâm là Bộ Công Thương thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia. Điều quan trọng nhất sau tổng kết là phải đề ra được phương hướng và giải pháp cho giai đoạn tới. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh việc cần phải làm rõ trong Chiến lược năng lượng quốc gia giai đoạn tới tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu. Trong các giải pháp, thì giải pháp quan trọng nhất là giải pháp về thể chế, đặc biệt là nhìn lại việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Vấn đề hiện nay đặt ra là có nên kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ là có nên sửa Luật tiết kiệm năng lượng hiện nay hay không và sửa thì theo hướng nào?”. Ông Phát đặt câu hỏi.
Nguyên Long/Icon.com.vn