Tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà Dầu khí: Đã nhìn thấy hiệu quả

Thứ sáu, 6/7/2012 | 13:44 GMT+7
Trước nhu cầu tiêu thụ điện trong các tòa nhà ngày càng tăng, một số tòa nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác tiết kiệm điện nhằm giảm chi phí vận hành.

Tiền điện giảm

Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam (173 Trung Kính, Hà Nội) cao 19 tầng, hiện có tới 20 đơn vị thuộc ngành Dầu khí thuê mặt bằng làm văn phòng cho hơn 1.000 người làm việc và khoảng 200 lượt người/ngày thường xuyên ra vào tòa nhà liên hệ công tác. Ông Phạm Công Cần – Tổng quản lý Ban Quản lý Tòa nhà Viện Dầu khí cho biết, công tác tiết kiệm điện đã được Ban Quản lý tòa nhà quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên đang làm việc ở tòa nhà như tắt máy tính, điện chiếu sáng trong phòng khi ra về, giảm nhiệt độ điều hòa khi trời mát. Đặc biệt là 18 giờ 30 hàng ngày, Ban Quản lý tòa nhà đều có thông báo “cắt giảm điện chiếu sáng ở hành lang”, ngay sau đó sẽ cắt giảm và có một đội chuyên biệt đi kiểm tra.
 

 
3 giàn máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời trên nóc tòa nhà PVFC

Thực tế, mỗi tháng Tòa nhà Viện Dầu khí tiêu thụ từ 500-700 nghìn kWh điện, chi phí khoảng 600-800 triệu tiền điện. Tòa nhà Viện Dầu khí đưa vào khai thác từ tháng 7/2010, lượng điện tiêu thụ tháng cao nhất là tháng 8/2010 với 685 nghìn kWh (tương đương 1,4 tỉ đồng). Sau một năm thực hiện công tác tiết kiệm, lượng điện tiêu thụ tháng 8/2011 còn 621.800kWh, giảm 64.000kWh. Các tháng mùa đông, lượng điện tiêu thụ ít nhất, tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng/tháng.

Tòa nhà 22 Ngô Quyền, nơi đóng trụ sở của Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC), hiện có khoảng 500 người thường xuyên làm việc trong tòa nhà, với lượng điện tiêu thụ tháng cao điểm nhất dao động khoảng 300 triệu đồng. Ông Bùi Chí Linh – Phó phòng Hành chính Văn phòng PVFC là người trực tiếp nhận nhiệm vụ giám sát công tác tiết kiệm điện của PVFC chia sẻ: Hiện nay, việc tiết kiệm điện đã giúp cho PVFC giảm được 20-40 triệu đồng/tháng so với hóa đơn thanh toán điện năm 2010. So với PVFC có vốn chủ sở hữu 6.000 tỉ đồng, dòng vốn lưu thông hàng năm đạt 20.000 tỉ đồng thì con số tiết kiệm trên không hề lớn. Tuy nhiên, tiết kiệm chừng ấy tiền điện không chỉ giúp PVFC giảm chi phí sản xuất mà còn thể hiện văn hóa PVFC luôn đồng hành, chia sẻ với cộng đồng bằng những việc làm thiết thực.

Tháng 2/2011 (tháng sử dụng ít điện nhất), hóa đơn thanh toán điện của PVFC là 204 triệu đồng so với tháng 2/2010 là 234 triệu đồng, giảm 30 triệu đồng. PVFC đã giảm 200 bóng đèn ở mọi vị trí không cần thiết như vị trí để tài liệu, để máy photo và các vị trí không có người thường xuyên ngồi làm việc, hành lang… “Việc cắt giảm số lượng bóng đèn vẫn đảm bảo cường độ sáng đúng tiêu chuẩn cho nhân viên bằng cách mua máy tự đo cường độ sáng” – ông Bùi Chí Linh nói thêm.

Đặc biệt, trên nóc tòa nhà PVFC hiện có 3 giàn máy nước nóng đun bằng nhiệt năng mặt trời. Hệ thống này đầu tư từ năm 2009. Theo ông Bùi Chí Linh mỗi tháng số tiền tiết kiệm được nếu phải sử dụng điện đun nóng nước sẽ ngang bằng lượng điện tiêu thụ của một hộ gia đình ở Hà Nội sử dụng trong 1 năm (khoảng 2.000kWh). Tức là mỗi năm hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm cho PVFC hơn 20.000kWh, khoảng 40 triệu đồng.

Tiết kiệm trong khách sạn

Năm 2011 và 6 tháng đầu 2012, Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (TT ƯDCN & TKNL) thuộc Tổng Công ty Công nghệ năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC) đã tiến hành khảo sát tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành Dầu khí, thực hiện kiểm toán năng lượng cho một số đơn vị trong ngành, trong đó phần về tòa nhà thì mới chỉ thực hiện kiểm toán năng lượng cho 2 đơn vị: Khách sạn Dầu khí PTSC tại Vũng Tàu, Khách sạn Vietsovpetro Đà Lạt.

Ông Trần Quý Phúc – Giám đốc Trung tâm cho biết, hầu hết các tòa nhà trong ngành Dầu khí đều còn rất mới, sử dụng rất nhiều thiết bị tiết kiệm năng lượng, như: Sử dụng đèn led cho thang máy, hành lang, các phòng ngủ và đèn trang trí; lắp biến tần cho các động cơ thang máy, bơm cấp nước, quạt hút gió; hệ thống điều hòa không khí là các Chiller (loại máy phát sinh ra nguồn lạnh) có sử dụng biến tần và được cài đặt nhiệt độ làm việc 25-26oC, có chế độ tắt mở theo nhu cầu. Riêng khu vục cho văn phòng thì thực hiện mở điều hòa vào lúc 8h30 hàng ngày và tắt hẳn vào khoảng 17h30 hàng ngày. Thứ Bảy và Chủ nhật nếu đơn vị nào có nhu cầu sử dụng phải thông báo ngày giờ cần để bộ phận quản lý phối hợp.

Bên cạnh đó, Khách sạn Dầu khí PTSC tại Vũng Tàu, Khách sạn Vietsovpetro Đà Lạt cũng đã áp dụng một số biện pháp tiết kiệm điện như: lắp kính chống hấp thụ nhiệt vào bên trong khách sạn; chuyển đổi giặt ủi vào giờ thấp điểm để giảm chi phí năng lượng, san bằng phụ tải, giảm năng lượng sử dụng trong giờ cao điểm; sử sụng lò hơi công suất nhỏ để cung cấp hơi nóng cho giặt, ủi và hấp chăn, gối và quần áo; sử dụng đèn compact thay cho bóng sodium 250W, 400W để chiếu sáng khuôn viên khách sạn, hệ thống này có cảm biến quang để thực hiện tắt mở tự động; sử dụng khóa từ để khóa và tắt mở điện trong các phòng ngủ khách sạn; thực hiện hỗ trợ nguồn cho lưới điện quốc gia bằng cách chạy máy phát dự phòng trong vòng 30 phút vào giờ cao điểm theo chu kỳ 1 tuần 1 lần.

Theo ông Trần Quý Phúc, sau một 1 năm áp dụng các biện pháp tiết giảm điện như trên, năng lượng sử dụng/m2 tại các khách sạn Dầu khí đều thấp hơn chi tiêu năng lượng sử dụng theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam do Bộ Xây Dựng ban hành theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BXD ngày 17/11/2005 là nhỏ hơn 11W/m2. Theo khảo sát và đánh giá riêng của PV EIC thì khách sạn Dầu khí PTSC, Khách sạn Vietsovpetro Đà Lạt, Tòa Nhà Văn Phòng PetroTower, Tòa nhà văn phòng của PV GAS, Khách sạn Petrosetco Vũng Tàu là những tòa nhà đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm điện năng, ứng dụng khoa học vào tiết kiệm năng lượng, đạt hiệu quả cao.

Cũng theo đại diện đến từ PV EIC thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà Dầu khí vẫn còn khoảng 3-5% nếu áp dụng triệt để các biện pháp hơn nữa như sử dụng điện từ năng lượng mặt trời vào chiếu sáng ban ngày và tích điện cho chiếu sáng, trang trí tòa nhà vào ban đêm. Hiện tại, các tòa nhà của ngành Dầu khí cũng đang chú ý và học tập mô hình “nhà máy điện mặt trời” trên nóc trụ sở Bộ Công Thương 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mỗi năm, hệ thống điện mặt trời này sản sinh gần 16.000kWh điện – một lượng điện dồi dào cho đun nước, chiếu sáng…
 
Theo: Petro Times