Độc giả phản ánh, sáng 28/6 trên đường từ Hà Nội đi Lạng Sơn, lúc 9h30 đến cột mốc “Lạng Sơn 135km”, giáp ranh giữa Hà Nội - Bắc Ninh, các đường nhựa ngang dọc và khu công viên có hàng trăm cột điện vẫn còn sáng đèn (ảnh). Đây là sự lãng phí lớn đèn chiếu sáng công cộng.
Cột mốc “Lạng Sơn 135km” có hàng trăm cột điện vẫn còn sáng đèn.
Công ty quản lý công trình đô thị Bắc Ninh và ở các tỉnh, thành khác mà thỉnh thoảng người đi đường vẫn bắt gặp (như đoạn đường từ gầm cầu vượt Linh Xuân (TPHCM) đến thị trấn Dĩ An tỉnh Bình Dương) cần quản lý nghiêm ngặt hơn thời gian ngắt điện chiếu sáng ban đêm.
Đầu tháng 6, khi nghỉ ở khách sạn trên đường Trường Chinh (Hoàng Mai, Hà Nội) một độc giả cho biết đây là khu lầu 4 tầng với chiều ngang khá rộng, tổng cộng trên dưới 50 phòng kèm thêm các phòng lễ tân, nhà ăn, các dãy hành lang... nhưng không thấy loại đèn néon 1,2m hay 0,6m. Vào phòng thấy 2 đèn sáng ốp tường ẩn trong chụp hoa văn hình nón úp ngược hắt ánh sáng vàng. Nhìn kỹ 2 đèn bàn cạnh giường và đèn phòng tắm đều là loại đèn sợi tóc nhiệt 40W và 60W. Toàn phòng có 5 đèn, tổng công suất khoảng 270W.
Nếu khách sạn này thay hệ thống bóng đèn sợi tóc nhiệt trên bằng đèn lạnh (néon) 1,2m (40W) và 0,6m (20W - nếu dùng loại đèn ống lạnh xoắn ốc chỉ 10W) thì chỉ khoảng 80W - tức giảm được hơn 1/3 công suất điện sử dụng cho 1 phòng. Tính trung bình mỗi phòng sử dụng trong 10h thì chỉ hết 8kW/ngày thay vì phải tốn đến 27kWh/ngày. Nhìn dãy hành lang và một số phòng cùng tầng 3 đều thấy ánh sáng màu vàng, là loại đèn tiêu thụ công suất lớn. Tính chung toàn khu khách sạn mỗi ngày tiết kiệm được ít nhất 100 kWh trở lên nếu dùng các loại bóng đèn tiết kiệm điện.
Thiết nghĩ, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố lớn và khách sạn trên đường Trường Chinh cần có ý thức hơn về tiết kiệm điện hơn nữa khi chúng ta đang bước vào tháng cao điểm của mùa khô.
PV (tổng hợp)