- Khi tính giá trị vốn hoá thị trường, người ta chỉ tính đến các cổ phiếu phổ thông, chứ không tính đến cổ phiếu ưu đãi.
- Số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường của một công ty thường nhỏ hơn tổng số cổ phiếu mà công ty phát hành, bởi có thể một phần không nhỏ số cổ phiếu này nằm trong tay các thành viên nội bộ của công ty, một phần khác thì được công ty mua lại làm cổ phiếu quỹ...
- Giá trị vốn hoá thị trường có thể tăng hoặc giảm do một số nguyên nhân không liên quan đến kết quả hoạt động của công ty như việc mua lại một công ty khác, bán bớt một số bộ phận của tập đoàn hay mua lại chính cổ phiếu của mình. Mặt khác, giá trị vốn hoá thị trường phản ánh giá cổ phiếu của một công ty, trong khi giá này có thể thay đổi theo kỳ vọng của NĐT. Vì vậy, chỉ số này không phản ánh hoàn toàn chính xác giá trị thực sự của công ty đó.
Phân loại công ty theo giá trị vốn hóa thị trường
Cổ phiếu bluechip thường là cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hoá thị trường lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chuẩn mực cho việc phân loại công ty theo giá trị vốn hoá thị trường.
Tại TTCK Việt Nam, ngày 2/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010, giá trị vốn hóa TTCK đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4/2008, tổng giá trị vốn hoá TTCK Việt Nam mới đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, bằng 28% GDP năm 2007 (giá trị vốn hóa thị trường năm 2007 bằng 40% GDP), thấp xa so với quy mô của các thị trường khu vực và thế giới. Theo thống kê, các DN đã niêm yết có giá trị vốn hoá thị trường đạt trên 1.000 tỷ đồng (62,5 triệu USD) ở cả 2 sàn mới đạt 50 DN, trong đó số đạt từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên mới có 9 DN (sàn TP. HCM có 7, đứng đầu là VNM với 19,8 nghìn tỷ đồng, tiếp đến là DPM trên 19 nghìn tỷ đồng, STB 17,03 nghìn tỷ đồng, PPC 12,554 nghìn tỷ đồng, VPL 12,3 nghìn tỷ đồng, PVD 12,005 nghìn tỷ đồng, VIC 10,5 nghìn tỷ đồng; sàn Hà Nội có 2, đứng đầu - đồng thời đứng đầu cả nước là ACB trên 26,2 nghìn tỷ đồng, sau đó là KBC gần 15,8 nghìn tỷ đồng). Như vậy, DN niêm yết có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay chưa tới 1,7 tỷ USD và số công ty đạt trên 1 tỷ USD hiện mới có 4.