Toàn cảnh Toạ đàm "Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn".
Tại tọa đàm, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ đó tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.
Hiện tại, thị trường điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn. Với điện mặt trời mái nhà, đã hơn 2 năm qua, vẫn chưa có chính sách cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện, mặc dù với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rất cần sử dụng năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, với ngành dệt may xuất khẩu, doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện “xanh hóa” để có đơn hàng vào các thị trường lớn.
Trước nhu cầu cấp thiết của mục tiêu giảm phát thải với các ngành sản xuất, các điều kiện của hội nhập, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các kế hoạch chuyển dịch năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đó có nêu rõ tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Chính phủ ban hành ngày 15/5 mới đây.
Quan điểm Quy hoạch điện 8 nhấn mạnh, khuyến khích khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo để xuất khẩu điện, sản xuất nhiên liệu mới (hdro, amoniac) đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng trong nước và xuất khẩu; đặc biệt chú trọng phát triển các nguồn điện phân tán để giảm đầu tư hạ tầng đấu nối, giảm truyền tải, giảm tổn thất điện năng.
Mục tiêu phát triển điện lực quốc gia cũng chỉ ra cần ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu, tới năm 2030 tổng công suất nguồn điện loại hình này ước tính khoảng 10.355MW, sản xuất khoảng 15,5 tỷ kWh (chiếm 2,7% tổng điện năng sản xuất). Trong đó, cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng “0”, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải carbon, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu)”. Việc hoàn thiện pháp lý nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích các ngành sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo thay dần năng lượng hóa thạch.
Thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp mong muốn cần có cơ chế, chính sách rõ ràng về việc phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời các cơ quan ban, ngành cần có hướng dẫn cụ thể, về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mô hình thương mại, doanh nghiệp đầu tư, tự sử dụng.
Cũng tại tọa đàm, các hiệp hội đề xuất đại điện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cần phổ biến hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng cháy theo quy định hiện hành mới nhất, giúp doanh nghiệp sản xuất chấp hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được thuận tiện, nhanh chóng.
Link gốc