Diễn đàn năng lượng

Phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ quốc tế

Thứ năm, 16/3/2023 | 14:33 GMT+7
Sáng nay (16/3/2023), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Thúc đẩy phát triển ngành Điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm Quốc tế và các gợi ý chính sách" dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực năng lượng cũng như các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trong và ngoài nước. 

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho giải pháp móng cố định. Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi. Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh gía cao các kinh nghiệm quốc tế đối với sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng. "Chúng tôi nhận thấy rằng kinh nghiệm quốc tế là rất quan trọng. Đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam từ cách tiếp cận xác định mô hình cũng như là hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chúng ta trong giai đoạn đang phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế để làm sao hiện thực hóa được mục tiêu phát triển ra ngoài khơi. Những ý kiến của chuyên gia quốc tế từ Đan Mạch, từ Hội đồng năng lượng gió quốc tế cũng như các chuyên gia quốc tế các quốc gia khác tôi cho rằng đây là rất quý. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế và từ đó sẽ bổ sung vào trong báo cáo đánh giá để kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo để hoàn thiện các cơ chế chính sách"- ông Hiển phát biểu.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz phát biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhìn nhận, “Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam- Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành  khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền".

Với việc chuyển đổi xanh của ngành năng lượng hiện đang là một trong những ưu tiên cũng như nhu cầu hàng đầu, hội thảo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và thảo luận tích cực từ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước cùng giới học thuật và truyền thông. 

Chương trình Hội thảo bao gồm 05 báo cáo chính từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm. Các báo cáo chính đã tập trung phân tích, trình bày tổng quan quá trình phát triển điện gió ngoài khơi toàn cầu và những điều kiện cần để khởi động các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại một số nước, như: Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, , v.v. các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc biệt cho các dự án phát triển điện gió ngoài khơi và gợi ý chính sách cho Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải. 

Bên cạnh các báo cáo chính, Hội thảo còn có phiên trao đổi, thảo luận để đại diện các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các đại biểu trao đổi kinh nghiệm liên quan đến những thách thức và cơ hội lớn cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam như: cơ chế cấp phép cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi hiện nay và trong thời gian tới, cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi, v.v. 

Hội thảo cấp cao về điện gió ngoài khơi này nằm trong chương trình hợp tác đối tác năng lượng giữa hai chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Chương trình này được bắt đầu từ năm 2013 và đã thu được nhiều kết quả hợp tác rất tốt đẹp.
 

Nguyên Long