Điện gió Bạc Liêu.
20 năm trôi qua, kể từ khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập (1997), Tỉnh ủy xác định đúng thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng, tập trung đầu tư có trọng điểm trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội, chăm lo an sinh xã hội, đặc biệt là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã đưa vùng nông thôn, vùng bưng biền bừng sáng.
Nếu như năm 1997, hầu hết các xã trong tỉnh đều nằm trong tình trạng cô lập, tách biệt với thành thị, tỉ lệ hộ nghèo trên 19,09% thì hiện nay đã có 39/49 xã có đường ô tô đến trung tâm. Đường giao thông liên xã, liên ấp được bê tông hóa, nhựa hóa cơ bản, kết nối với các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện. Hạ tầng điện lưới quốc gia được quan tâm đầu tư phủ khắp các vùng nông thôn.
Đã có 11/49 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Bộ mặt đô thị, thành phố Bạc Liêu có nhiều thay đổi. Lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, năng suất lúa trên 1 diện tích nay tăng gấp 4 lần. Thuỷ sản của Bạc Liêu được xem là “thủ phủ” tôm của cả nước với tổng diện tích nuôi trồng đạt 127.851 ha.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản năm 2016 ước đạt 304.400 tấn, tăng gấp 6 lần so với năm 1997. 20 năm qua, Bạc Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Tỉnh cũng dung hòa giữa 2 vùng mặn - ngọt, là địa phương duy nhất có diện tích lúa - tôm lên đến trên 30.000 ha, hình thành mô hình sản xuất bền vững.
Mùa mưa, nước ngọt người dân trồng lúa; mùa hạn, nước mặn nuôi tôm. Hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt ngày giúp điều tiết nước đúng thời điểm đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Bạc Liêu. Hiện các dự án nuôi tôm công nghiệp đã hình thành. Nguồn lợi từ nước đã đem đến cho nông thôn nhiều khởi sắc kể cả cây lúa lẫn con tôm.
Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra, Bạc Liêu tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường; khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp; gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đến năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 15.000 tỷ đồng tăng 24 lần so với năm 1997. Giờ đây, ven biển Bạc Liêu, không chỉ có những cánh đồng muối. Cty TNHH thương mại - xây dựng - du Lịch Công Lý đã xây dựng một nhà máy điện gió.
Tháng 5/2013, 10 trụ tuabin của nhà máy đã chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng công suất 16MW, đã hoà vào điện lưới quốc gia trên 10 triệu KW điện, đang thi công giai đoạn II. Đây là dự án điện gió thứ 2 tại Việt Nam và là dự án đầu tiên tại khu vực ĐBSCL. Nhà máy sẽ cung cấp trên 300 triệu KW điện mỗi năm.
Bên cạnh chăm lo phát triển sản xuất, tỉnh chú trọng khai thác lợi thế du lịch tham quan, nghiên cứu các khu di tích văn hoá, lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh nhờ đó lượng du khách đến Bạc Liêu ngày càng đông. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội và thực hiện các chính sách nhằm giảm nghèo bền vững.
Ông Quảng Trọng Ninh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm cấp phát, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt,…
Năm 2016, tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị và vận động các doanh nghiệp nhận hỗ trợ 4.060 hộ nghèo, góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo trong năm 2016 gần 2%.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã thu hút được nguồn lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp.
Năm 2016, Bạc Liêu đã vận động 73 tỷ đồng vào quỹ “Vì người nghèo và an sinh xã hội” qua đó đã xây dựng 752 căn nhà đồng đội, nhà tình thương. 20 năm tái lập tỉnh, vùng bưng biền năm xưa nay đã bừng sáng.