PTC1 tham gia giám sát và nghiệm thu công trình
Để đón điện nhà máy Thủy điện Sơn La, Chính phủ đã phê duyệt và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải sau nhà máy. Theo đó, các công trình được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 gồm có các tuyến đường dây 500kV từ Sơn La đi Hòa Bình, Sơn La đi Nho Quan. Đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan chiều dài thiết kế là 282,9 km và 633 vị trí, trong đó có 177 km là đường dây mạch kép và 2 đoạn đường dây 1 mạch dài 28,6 km và 77,3 km; mở rộng 2 trạm biến áp 500 kV Hòa Bình và Nho Quan. Trạm biến áp 500 kV Sơn La có quy mô lắp đặt 2 máy biến áp với tổng dung lượng là 900 MVA và đường dây 500 kV mạch kép đấu nối từ nhà máy Thủy điện Sơn La về Trạm dài 4,823km và tuyến 01 mạch dài1,624km, với giai đoạn 1 phải hoàn thành trước tháng 12/2010. Giai đoạn 2 gồm có đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa và Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hoa và hoàn thành công trình này vào cuối năm 2011. Đây là dự án đồng bộ với dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, thực hiện nhiệm vụ truyền tải điện năng cho các phụ tải từ nhà máy thủy điện Sơn La và từ các nhà máy thủy điện lớn trong khu vực Tây Bắc, như thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát… đồng thời tạo mối liên kết các đường dây giữa các khu vực trong hệ thống điện toàn quốc. Các dự án đồng bộ nguồn trên của giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á; vốn vay thương mại trong nước và vốn khấu hao của EVN.
Ông Phan Ngọc Đào – Phó Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình miền Bắc cho biết: Đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan và Trạm biến áp 500 kV Sơn La được khởi công từ tháng 11/2008, theo kế hoạch công trình sẽ hoàn thành đóng điện vào cuối năm 2010. Tuyến đường dây 500kv Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan đi qua địa bàn 3 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình. Tại tỉnh Sơn La, đường dây đi qua địa bàn 37 xã của 4 huyện: Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, với tổng số 74 hộ dân phải di chuyển. Mặc dù đường dây này chỉ đi qua 3 tỉnh thì hết 2 tỉnh là miền núi, do vậy có đến 80% số cột đều đi chạy trên các đỉnh núi chót vót, xa đường lộ, địa chất phức tạp, cá biệt có vị trí phải dùng tời để vận chuyển vật tư thi công móng, dựng cột.
Trong một lần tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo NPT, tôi được ông Nguyễn Hà Đông – Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết: Đối với đường dây này, Tổng Công ty đã tận dụng 34 cột đường dây 500 kV, trong số này có 2 cột tồn kho của Ban AMB; 27 cột của Công ty Truyền tải điện 2 và 5 cột của Công ty Truyền tải điện 1 thu hồi từ công trình đường dây 500 kV mạch 1 để đưa vào dựng cột cho công trình này, qua đó chúng tôi đã làm lợi cho nhà nước nhiều tỷ đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ công trình cho cả 2 giai đoạn lãnh đạo Tổng Công ty đã giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) quản lý các dự án thi công các đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình, Sơn La Nho Quan, Sơn La – Hiệp Hòa mở rộng 2 trạm biến áp 500 kV Hòa Bình, Nho quan và giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban AMT) quản lý các dự án thi công 2 Trạm biến áp 500 kV Sơn La; Hiệp Hòa và đường dây 500 kV đấu nối từ nhà máy về trạm. Để đảm bảo chất lượng công trình, Tổng công ty đã giao cho Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, giám sát, nghiệm thu công trình.
Phải nói rằng trong những ngày này, tất cả các lực lượng của các đơn vị thi công, Ban AMB, Ban AMT, PTC1 đang tập trung trên công trường để hoàn thành những công việc hoàn thiện cuối cùng để công trình sẵn sàng mang điện theo đúng kế hoạch tiên độ. Một việc mà theo tôi đây là một chủ trương đúng của lãnh đạo NPT đó là giao cho PTC1 trực tiếp thực hiện công tác tư vấn giám sát thi công công trình. Bởi lẽ, trên 282 km đường dây và 633 vị trí đếu nằm ở những nơi hiểm trở, nếu giám sát không kỹ hoặc không có tư vấn kịp thời thì sau này sẽ rất khó sửa chữa. Vì sự an toàn vận hành của đường dây do vậy việc thực hiện tư vấn giám sát đã được PTC1 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công, Ban AMB, Ban AMT thực hiện một cách tỉ mỉ, chu đáo đảm bảo chất lượng với yêu cầu kỹ thuật cao.
Đ/c Nguyễn Hà Đông – TGĐ NPT thăm và động viên lực lương thi công đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan.
Công trình đã đến ngày chuẩn bị mang điện trong khi đó nhà máy Thủy điện Sơn La cuối năm mới phát điện làm sao để biết được công trình có thể đảm bảo chất lượng và sẵn sang nhận điện. Nghe tôi thắc mắc như vậy, Ông Phan Ngọc Đào – Phó Trưởng Ban Quản lý dự án các công trình miền Bắc đã bộc bạch : Lãnh đạo NPT đã chỉ đạo cho Ban AMB phối hợp với PTC 1 đóng điện từng phần và chuyển ngăn lộ từ trạm biến áp 500 kV Nho Quan về Hòa Bình, sau đó đóng điện xung kích trên đường dây từ Trạm Nho Quan lên trạm biến áp 500 kV Nhà máy Thuye điện Sơn La, cuối tháng 9 năm 2010 đóng điện trạm biến áp 500 kV Sơn La và đóng điện hoàn thiện công trình.
Như vậy sau gần 22 tháng nỗ lực thi công các công trình đồng bộ nguồn với nhà máy thủy điện Sơn la của giai đoạn 1 đã được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia hoàn thành và vượt tiến độ do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là 2 tháng. Đây chính là món quà đầy ý nghĩa chào mừng Đai hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của tập thể CBCNV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.