Trạm chuyển đổi năng lượng ngoài khơi của tập đoàn sở hữu đập Tam Hiệp, Trung Quốc. Ảnh: Tập đoàn Tam Hiệp.
Trạm chuyển đổi ngoài khơi lớn nhất thế giới đã được lắp đặt tại trang trại gió ngoài khơi huyện Nhu Đông, tỉnh Giang Tô, ven biển phía đông Trung Quốc.
Trạm chuyển đổi Tam Hiệp Như Đông (Three Georges Rudong) - trạm chuyển đổi ngoài khơi lớn nhất thế giới và đầu tiên ở Châu Á - đã hoàn thành chuyến đi từ sông Dương Tử ở Nam Thông, Giang Tô, đến biển Hoàng Hải trên Tây Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của OffshoreWind, nhà máy bằng thép khổng lồ nặng 22.000 tấn, cao bằng toà nhà 15 tầng này dự kiến sẽ thu 1.100 MW năng lượng điện từ ba trang trại gió.
Ba trang trại gió - được gọi là H6, H8 và H10 - là một phần của dự án Giang Tô Như Đông đang được Tập đoàn Tam Hiệp phát triển. Trạm sẽ thu thập và chuyển đổi điện từ các trang trại gió đó thành điện một chiều trước khi truyền vào bờ từ khoảng cách 100km bằng cáp chìm.
Theo Tập đoàn Tam Hiệp, dự án cuối cùng sẽ có thể cung cấp điện cho khoảng 1,36 triệu hộ gia đình hàng năm.
Để đưa trạm chuyển đổi được mệnh danh là "nhà thép khổng lồ" ra khơi, Tập đoàn Tam Hiệp đã sử dụng phương pháp tận dụng thủy triều tự nhiên theo cách tương tự đã giải cứu siêu tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3 năm nay.
Sau khi được lắp đặt hoàn chỉnh, trang trại gió ngoài khơi Như Đông 1,1 GW sẽ sản xuất 2,4 tỉ kWh hàng năm, theo Tập đoàn Tam Hiệp. Việc xây dựng này là một phần trong nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm giảm lượng khí thải carbon của nước này. Vào tháng 5, đã xuất hiện các báo cáo cho biết lượng khí thải CO2 của Trung Quốc vượt qua tất cả quốc gia phát triển khác cộng lại.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang ngày càng tìm kiếm các giải pháp năng lượng tái tạo ngoài khơi. Tháng trước, Centrale Nantes của Pháp đã công bố nhà máy sản xuất hydro xanh ngoài khơi đầu tiên trên thế giới và Orbital Marine Power của Scotland thông báo tuabin thủy triều nặng 620 tấn của họ đã bắt đầu đưa điện lên lưới.
Ngày 9.8, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố một báo cáo mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng cháy rừng toàn cầu ngày càng gia tăng. Báo cáo cho thấy các sáng kiến như kế hoạch hạn chế phát thải carbon của Trung Quốc sẽ phải được đẩy mạnh để ngăn chặn những tác động tai hại của biến đổi khí hậu.
Theo: Lao động