Tin mới nhất

EVN thông báo về việc đề nghị chuyển giao 13 dự án nguồn điện cho các nhà đầu tư khác

Thứ hai, 13/10/2008 | 10:46 GMT+7

Tại thông báo số 484/TB- EVN ngày 7/10/2008 của Văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN đã làm rõ những vấn đề CBCNV trong ngành và khách sàng sử dụng điện còn nhiều băn khoăn cần giải đáp trước sự việc EVN đề nghị Chính phủ giao 13 dự án nguồn điện cho những nhà đầu tư khách tham gia.

Theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006- 2015 có xét đến 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện IV), trên cơ sở đó dự báo nhu cầu điện tăng ở mức 17%/năm (phương án cơ sở) và 20%/năm (phương án cao).

Trong phương án cao, 2006-2015 cả nước sẽ đầu tư 60.944 MW nguồn điện mới, trong đó EVN được giao chủ đầu tư 34.745 MW (chiếm 57%), 26.199 MW còn lại do các chủ đầu tư khác thực hiện. Đồng thời EVN có trách nhiệm đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ đầu tư các nguồn điện với khối lượng 25.765 km đường dây 110- 500 kV và 98.580 MVA dung lượng trạm biến áp 110-500kV.
 

Thủy điện Buôn Kuốp-công trình thuộc Quy hoạch điện VI do EVN làm chủ đầu tư

Từ năm 2006 đến nay, EVN đã và đang xây dựng 29 dự án với tổng công suất hơn 11.820 MW, trong đó đã đưa vào vận hành 6 dự án có tổng công suất 1.300 MW. Đồng thời triển khai hàng loạt các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp đồng bộ với các nhà máy điện và phát triển lưới điện phân phối cung cấp cho hàng triệu hộ dùng điện. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2006- 2008 là 103.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 62.300 tỷ đồng (vay nước ngoài 21.700 tỷ đồng, vay tín dụng trong nước 40.600 tỷ đồng).

Để thực hiện khối lượng đầu tư các công trình điện đến năm 2015, nhu cầu vốn của Tập đoàn cần 882.700 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, Tập đoàn đã tiến hành nhiều giải pháp huy động vốn, như: tập trung vốn tự có (vốn KHCB, lợi nhuận, cổ phần hoá và bán thêm cổ phần); huy động các nguồn vốn ODA của các tổ chức ngân hàng nước ngoài (WB, JBIC, ADB, AFD); huy động các nguồn vốn vay song phương nước ngoài, kêu gọi các nhà thầu cùng thu xếp vốn… Tập đoàn cũng đã chủ động rà soát kế hoạch ĐTXD năm 2008, đã đình hoãn trên 500 hạng mục công trình với giá trị 1.956 tỷ đồng (trong đó có 453 hạng mục lưới điện, viễn thông và công trình kiến trúc, giá trị 1.196 tỷ đồng, cắt giảm toàn bộ nguồn vốn dự kiến đầu tư bất động sản 154 tỷ đồng, 47 hạng mục nguồn điện của 16 công trình với giá trị 606 tỷ đồng). Tuy vậy, đến nay mới có thể thu xếp vốn được 283,700 tỷ đồng, còn thiếu 599.000 tỷ đồng.

Về nhu cầu điện: Trong 3 năm (2006-2008) mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân là 14,12%/năm, đồng thời do ảnh hưởng chung của nền kinh tế trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, cũng như trong việc thực hiện chỉ thị tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ nên nhu cầu sử dụng điện đã có xu thế tăng chậm lại, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng đã tính toán trong Quy hoạch điện IV (từ 17-20%). Điều này đã làm giảm áp lực huy động vốn đầu tư các công trình nguồn điện cho cả nước nói chung và EVN nói riêng trong các năm tiếp theo. EVN đã tính toán lại nhu cầu điện, theo đó nếu tăng trưởng ở mức 16-17%/ năm trong giai đoạn 2009-2015 thì một số nguồn điện trước đây lập kế hoạch vào vận hành trước 2015 có thể giãn tiến độ ra sau 2015 mà không ảnh hưởng đến cung- cầu điện.

stt Dự án Công suất
1 Nhiệt điện Duyên Hải 2 1.200MW
2 Nhiệt điện Duyên Hải 3.1 1.000MW
3 Nhiệt điện Duyên Hải 3.2 1.000MW
4 Nhiệt điện Sóc Trăng 3.1 1.000MW
5 Nhiệt điện Sóc Trăng 3.2 1.000MW
6 Nhiệt điện Vĩnh Tân 3.1 1.000MW
7 Nhiệt điện Vĩnh Tân 3.2 1.000MW
8 Nhiệt điện Hải Phòng 3.1 600 MW
9 Nhiệt điện Hải Phòng 3.2 1.200MW
10 Nhiệt điện Hải Phòng 3.3 1.200MW
11 Nhiệt điện Vũng Áng 3.1 1.200MW
12 Nhiệt điện Vũng Áng 3.2 1.200MW
13 Nhiệt điện Quảng Trạch 1.200MW
  Tổng công suất 13.800 MW

Các dự án đề nghị Chính phủ giao các đơn vị ngoài EVN đầu tư -->

Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình cung- cầu về điện, tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện để điều chỉnh, kiến nghị bổ sung kịp thời danh mục và tiến độ các dự án cho phù hợp với thực tế phát triển của ngành điện. Quyết định cũng đã nêu chỉ rõ về nguồn vốn đầu tư: Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện phân phối theo các hình thức đầu tư được pháp luật nhà nước quy định.

Qua 3 năm thực hiện Quy hoạch điện IV, trước những khó khăn về huy động vốn, EVN đã báo cáo với Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện IV. Tại văn bản số 152/TB-VPCP ngày 01/7/2008, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công thương cùng EVN rà soát lại nhu cầu vốn của các dự án do EVN làm chủ đầu tư, đề xuất nguồn vốn, điều kiện vay vốn, kể cả việc thay đổi chủ đầu tư trong trường hợp cần thiết để EVN tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án lưới điện, nguồn điện cấp bách.

Với vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, với tinh thần trách nhiệm cao đảm bảo nhu cầu điện cho tăng trưởng GDP của đất nước và trên cơ sở những tính toán thận trọng về nhu cầu điện đến năm 2015, EVN đã báo cáo Chính phủ cho phép chuyển 13 dự án nguồn điện (tổng công suất 13.800 MW) chưa cấp bách được giãn tiến độ ra sau 2015. Thủ tướng Chính phủ cân nhắc và đã đồng ý giao cho các nhà đầu tư ngoài EVN, nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước (VB số 262/TB-VPCP ngày 19/9/2008). Về phần mình, EVN đang cố gắng huy động để tham gia cổ phần trong các dự án này. Như vậy, tổng công suất nguồn điện xây dựng mới do EVN làm chủ đầu tư đến năm 2015 là 20.945 MW cộng với các nguồn đang vận hành thì đến năm 2015, EVN sẽ sở hữu khoảng 28.700 MW trên tổng công suất đặt của nguồn điện khoảng 47.250 MW. EVN vẫn đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư và đảm bảo điện cho nền kinh tế.

Trên đây là những phân tích về đề nghị chuyển giao chủ đầu tư của 13 dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện IV cho các chủ đầu tư khác tham gia, Tập đoàn thông báo để các đơn vị biết và giải thích để không gây hiểu lầm về vai trò nòng cốt trong việc cung cấp điện của EVN trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trần Phương (Theo TB 484)