Diễn đàn năng lượng

Trích lập dự phòng tài chính

Thứ hai, 24/11/2008 | 17:19 GMT+7
Trích lập dự phòng tài chính nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra khi thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, việc trích lập dự phòng sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Đối tượng trích lập là các chứng khoán, các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế, cụ thể như sau:

* Đối với các khoản đầu tư chứng khoán:

- Là các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu công ty... được doanh nghiệp đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

- Được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm kiểm kê, lập báo cáo tài chính có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán (những chứng khoán không được phép mua bán tự do trên thị trường thì không được lập dự phòng giảm giá).

* Đối với các khoản vốn đầu tư của doanh nghiệp vào tổ chức kinh tế là đơn vị thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, hợp danh, liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư). 

Để làm căn cứ hạch toán vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải lập dự phòng riêng cho từng loại chứng khoán đầu tư có biến động giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư; lập dự phòng riêng cho từng khoản đầu tư tài chính có tổn thất và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng tổn thất đầu tư tài chính.
 
Xử lý khoản dự phòng

Tại thời điểm lập dự phòng, nếu các chứng khoán do doanh nghiệp đầu tư bị giảm giá so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán, các khoản vốn đầu tư vào tổ chức kinh tế bị tổn thất do tổ chức kinh tế bị lỗ thì phải trích lập dự phòng tổn thất các đầu tư tài chính.

Nếu số dự phòng tổn thất đầu tư tài chính phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp không phải trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính.

Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp trích thêm vào chi phí tài chính của doanh nghiệp phần chênh lệch.

Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp hoàn nhập phần chênh lệch vào doanh thu hoạt động tài chính.
 
Thời điểm trích lập

Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính. Riêng đối các doanh nghiệp niêm yết phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì phải trích lập và hoàn nhập dự phòng cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.

Theo: ĐTCK