Diễn đàn năng lượng

5 điều cần quan tâm khi doanh nghiệp vay nợ

Thứ hai, 10/11/2008 | 14:54 GMT+7
Sau đây là các vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm khi doanh nghiệp minh đầu tư hoặc đang chuẩn bị đầu tư vay nợ.

Mục đích vay nợ

Nhà đầu tư (NĐT) cần phải biết rõ mục đích sử dụng khoản vay của doanh nghiệp (DN). Nếu khoản vay nợ được sử dụng để tài trợ cho các dự án mới có tiềm năng và tính khả thi cao thì không đáng lo ngại, nhưng nếu chỉ đơn thuần để trả nợ cho các khoản nợ cũ mà DN không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ thì NĐT cần phải suy nghĩ lại việc đầu tư vào DN này, đặc biệt nếu DN đã có tiền sử vay nợ cho mục đích đảo nợ. Bởi thông thường, việc đảo nợ có nghĩa là DN mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, hay đang lâm vào tình trạng tài chính khó khăn. Tất nhiên, phải chắc chắn loại trừ được trường hợp DN thực hiện vay nợ mới để tái tài trợ cho các khoản nợ cũ với lãi suất thấp hơn. Điều này không ảnh hưởng đến lượng nợ cũ tồn tại trong DN, không được xem là vay nợ mới, song cũng hiếm khi xảy ra.
 
Đặc thù của DN

Về lý thuyết, DN trong ngành có rủi ro kinh doanh thấp, có dòng tiền ổn định thường sử dụng nợ nhiều hơn là DN trong ngành nhiều rủi ro. DN nhỏ hoặc mới bắt đầu hoạt động cũng sử dụng nợ rất ít, nếu không muốn nói là không sử dụng nợ. DN mới với sự không chắc chắn cao có thể phải trải qua một thời gian đầy khó khăn để tìm được tài trợ bằng nợ vay, nên thường thì hoạt động của chúng hầu hết được tài trợ bằng vốn cổ phần.
 
Nợ cũ của DN

NĐT phải biết chính xác số nợ hiện có của DN. Nếu DN hoàn toàn chưa vay nợ thì không thành vấn đề, bởi đôi khi chính việc vay nợ có thể lại là điều tốt do nó sẽ giúp DN có nhiều cơ hội tái đầu tư, mở rộng hoạt động, đồng thời cũng giúp các nhà điều hành thận trọng hơn khi đầu tư. Tuy nhiên, nếu DN đã tồn tại một khoản nợ nhất định thì NĐT cần xem xét, nhất là các khoản nợ lớn. Thông thường, quá nhiều nợ sẽ là một điều xấu cho DN và các cổ đông, bởi vì nợ được coi là chi phí tài chính cố định, dù DN có hoạt động ra sao, thu nhập nhiều hay thậm chí đang thua lỗ thì vẫn phải đảm bảo việc trả lãi vay đúng kỳ hạn và trả nợ gốc khi đáo hạn, do vậy sự gia tăng nợ của DN cũng đồng nghĩa với việc gia tăng thêm rủi ro tài chính. Đặc biệt, việc vay nợ quá nhiều có thể đẩy DN đến bên bờ vực phá sản. Ngoài ra, NĐT cũng nên thực hiện so sánh tổng nợ hiện hữu (bao gồm cả nợ mới) của DN với trung bình chung của toàn ngành đảm bảo kết luận chính xác hơn.
 
Thời gian vay nợ

Có những khoản nợ vay đòi hỏi DN phải trả trong vài ngày, trong khi cũng có những khoản vay khác DN phải trả trong khoảng vài năm hoặc lâu hơn. NĐT cần phải xem xét thời gian của khoản nợ để có thể so sánh mức độ phù hợp với mục đích vay nợ cũng như dòng tiền của DN có để đáp ứng cho các nghĩa vụ nợ theo thời gian khoản vay, tránh tình trạng vay ngắn hạn để thực hiện tài trợ dự án dài hạn.
 
Khả năng trả nợ

Đây là điều đặc biệt quan trọng NĐT cần lưu tâm. Hầu hết DN khi vay nợ đều rất tự tin và chắc chắn với phương án vay của mình. Song trên thực tế, mọi việc không hề đơn giản, nhất là khi có những sự cố không lường trước được. Vì thế, phải xem xét, tính toán lại các nguồn trả nợ của DN với giả định các dự án thất bại hoặc gặp khó khăn không như dự kiến ban đầu.

Theo: TNCK