Tin thế giới

Trung Quốc - nhà vô địch điện tái tạo lẫn nhiệt than

Thứ năm, 13/7/2023 | 10:57 GMT+7
Dốc sức đầu tư cho điện tái tạo và đang dẫn đầu thế giới nhưng Trung Quốc đồng thời cũng "nghiện" nhiệt điện than, theo Le Monde.

Lắp đặt tuabin gió công suất lớn nhất thế giới tại Trung Quốc ngày 28/6. Ảnh: Xinhua

Trong vòng chưa đầy một tuần, Trung Quốc đưa vào hoạt động hai dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Hôm 28/6, tuabin gió lớn nhất thế giới công suất 16 MW được lắp đặt ngoài khơi bờ biển Phúc Kiến. Nó có những cánh quạt dài 123 mét, quét trên diện tích bề mặt 50.000 m2. Tuabin do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc vận hành, dự kiến cung cấp hơn 66 triệu kWh, tương đương mức tiêu thụ của 36.000 hộ gia đình 3 người.

Đáng chú ý, ba ngày trước đó, Trung Quốc đưa vào vận hành nhà máy thủy điện kết hợp điện mặt trời Kela tại Tây Tạng (tỉnh Tứ Xuyên) ở độ cao 4.600 m. Phần thủy điện của nhà máy có công suất 3 GW, gấp ba lần so với 2 triệu tấm pin mặt trời được lắp đặt trong khu vực 16 km2 xung quanh, công suất một GW.

Nhà máy điện kết hợp dự kiến tạo ra 2 tỷ kWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ của 700.000 hộ gia đình. Theo các nhà thiết kế, nhà máy trị giá khoảng 4,4 tỷ USD này khắc phục một trong những điểm yếu của năng lượng tái tạo đó là tính gián đoạn. Bộ phận điện mặt trời tạo ra nhiều năng lượng hơn vào ban ngày và khi thời tiết tốt, trong khi bộ phận thủy điện hoạt động trong thời gian mưa và các đập đầy.

Theo nhà điều hành dự án - Power China, đây là nhà máy điện kết hợp lớn nhất thế giới. Kỷ lục trước đó cũng thuộc về một nhà máy khác của Trung Quốc, với công suất 850.000 kWh, tọa lạc tại tỉnh Thanh Hải.

Những dự án này không phải hiếm ở Trung Quốc. Trong hai năm qua, nước này đã dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi, với công suất lắp đặt và vận hành là 30,89 triệu kW, tương đương khoảng 10% tổng công suất điện gió cả nước. Trong khi đó, điện từ các nhà máy kết hợp Kela dự kiến tiếp tục mở rộng dọc con sông dài 1.500 km, sẽ đạt tổng công suất 30 GW vào năm 2030 và mục tiêu xa hơn là 100 GW, cung cấp 300 tỷ kWh mỗi năm, đủ cho hơn 100 triệu hộ gia đình - gần bằng dân số Mỹ.

Một con đập trong dự án nhà máy điện kết hợp Kela. Ảnh: Xinhua

Diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang dốc hết sức lực cho năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), các dự án năng lượng mặt trời do Trung Quốc công bố hoặc đang triển khai có công suất khoảng 379 GW và năng lượng gió là 371 GW, gấp đôi công suất hiện tại của đất nước.

Nếu Trung Quốc hoàn thành các dự án này, họ sẽ có 1.200 GW công suất điện mặt trời và gió vào năm 2025, tức trước mục tiêu đặt ra 5 năm, theo GEM. Riêng 228 GW điện mặt trời mà nước này đã đầu tư cũng nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã đầu tư 495 tỷ USD vào năng lượng tái tạo năm 2022, chiếm 55% đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này.

Dù là quán quân về năng lượng xanh, Trung Quốc vẫn "nghiện" than đá, theo Le Monde. Tháng 4, tổ chức chuyên vận động về môi trường GreenPeace (Canada) cho biết quý I/2023, quốc gia này đã phê duyệt nhiều nhà máy nhiệt điện than mới (công suất 20,45 GW) gần bằng với cả năm 2021. Với tốc độ này, kỷ lục năm ngoái (90,72 GW được phê duyệt) có thể bị vượt qua.

Còn nghiên cứu được công bố bởi tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor có trụ sở tại California (Mỹ) cho hay riêng năm ngoái, Trung Quốc bổ sung 26,8 GW điện than mới, nhiều hơn công suất đóng cửa của các nhà máy điện than ở phần còn lại của thế giới (23,9 GW).

Theo tổ chức này, tăng trưởng điện than đang được phát triển của Trung Quốc đã tăng từ 55% năm 2021 lên 68% năm 2022, và hiện chiếm 72% công suất toàn cầu. Trong khi công suất điện than của Trung Quốc tăng 38% lên 365 GW, phần còn lại của thế giới giảm 20% xuống gần 172 GW.

Neil Makaroff, Cựu thành viên của Mạng lưới Hành động Khí hậu và là chuyên gia về chính sách khí hậu, năng lượng, cho biết bối cảnh năng lượng và giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ hơn đã khiến Trung Quốc chuyển hướng quay lại sử dụng than đá. Theo Makaroff, năm ngoái, bên cạnh sự phục hồi kinh tế, các đợt nắng nóng và sử dụng điều hòa không khí đã khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao, trong khi thủy điện ở mức thấp.

Thực tế, đối mặt với tình trạng cắt điện lớn năm 2021 và 2022, nhiều tỉnh của nước này vẫn phải dựa vào than đá để vượt qua sự thất thường của năng lượng tái tạo. Ngay cả Tứ Xuyên, nơi giàu thủy điện, cũng lo lắng về tình trạng đập cạn nước và phải đầu tư nhiệt điện than. Đợt nắng nóng bao trùm một số khu vực của Trung Quốc trong vài tuần - tháng 6 là tháng nóng nhất được ghi nhận ở miền Bắc nước này - đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất điện trong những tuần tới.

Và than đá thành chủ đề "hot" trên mạng xã hội nước này. Tại Douyin, phiên bản nội địa của TikTok, hàng trăm nhà bán hàng đã bày đủ trò để gây chú ý. Một số người có ảnh hưởng (influencer) ngồi sang trọng trước một chiếc kệ chất đầy những cục than lớn. Những người khác tạo dáng ở lối vào các mỏ than. Theo cách truyền thống hơn, một số cửa hàng livestream bán than với giá cả dựa trên chất lượng, số lượng và khoảng cách vận chuyển.

Hồi sinh nhiệt điện than làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đã nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng sẽ không đạt được các mục tiêu giảm phát thải CO2. Bắc Kinh đã cam kết đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và trung hòa carbon năm 2060.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 3 và 4 tháng 7, Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách chuyển đổi năng lượng, đã bày tỏ lo ngại về điều mà ông gọi là "sự mâu thuẫn" của Trung Quốc. "Tôi tin rằng Trung Quốc muốn đi đúng hướng, nhưng cũng đúng là nhiều nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng", ông nói trong một bài phát biểu tại Đại học Thanh Hoa.

Link gốc

 

Theo: VnExpress