Tạo ra điện giữa hoang mạc
Lòng chảo Qaidam là một vùng đất hoang vắng, khô cằn, trong đó có gần ½ diện tích là sa mạc muối. Nằm trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, được bao bọc xung quanh là núi non. lòng chảo này trải dài 850 km từ Đông sang Tây và rộng khoảng 300 km. Trên một diện tích rộng gần 250.000 km2 (tương đương ¾ lãnh thổ Việt Nam), trước khi nước CHDCND Trung Hoa ra đời vào năm 1949 chỉ có chưa đầy 1 vạn dân sinh sống.
Con đường chạy qua sa mạc hoang vắng ở lòng chảo Qaidam. Nhà máy quang điện lớn nhất thế giới sẽ xuất hiện tại đây.
Những năm gần đây lòng chảo nằm ở tỉnh Thanh Hải này ngày càng được quan tâm bởi nó giầu khoáng sản thiên nhiên, đặc biệt là khí đốt, dầu mỏ và kim loại nhẹ, tới mức người Trung Quốc gọi nó là “lòng chảo kho báu”. Tuần qua, cái tên Qaidam cũng bắt đầu được báo chí các nước nhắc tới, khi có hai tập đoàn Trung Quốc thông báo sẽ xây dựng ở đây một nhà máy quang điện có quy mô lớn nhất thế giới.
Hai doanh nghiệp đó là Tập đoàn Phát triển công nghệ Trung Quốc (CTDG) và Tập đoàn Năng lượng mới Thanh Hải. Theo kế hoạch mà họ công bố hôm thứ 6 vừa rồi, trước mắt một khu lắp đặt các tấm quang điện có công suất 30 MW sẽ được khởi công xây dựng, với kinh phí đầu tư là 150 triệu USD. Khu này sẽ từng bước được mở rộng để đạt công suất cuối cùng là 1.000 MW (so sánh: công suất của nhà máy thủy điện Trị An là 400 MW). Thời gian hoàn tất nhà máy hiện vẫn chưa được xác định. Người ta chỉ biết với công suất thiết kế nêu trên, nhà máy điện mặt trời ở lòng chảo Qaidam sẽ lớn gấp đôi so với nhà máy quang điện vẫn được coi là lớn nhất thế giới cho đến nay mà hai tập đoàn OptiSolar và PG&E đã lập dự án xây dựng ở California, Mỹ (có công suất 500 MW), với một “cánh đồng mặt trời” rộng khoảng 15,2 km2.
Một điểm khai thác quang điện ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải.
Theo các nhà đầu tư, lòng chảo Qaidam rộng lớn có nhiều ngày nắng trong năm là một nơi lý tưởng để xây dựng những nhà máy điện mặt trời có quy mô khổng lồ như vậy. Dự án này đặc biệt được quan tâm vì cho đến nay việc đưa điện lưới quốc gia đến những vùng xa xôi hẻo lánh ở Qaidam vẫn không thực hiện được, do thiếu hiệu quả kinh tế/ Trong khi ấy những năm gần đây lòng chảo này, đang được công nghiệp hóa mạnh mẽ thông qua các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng, rất cần điện năng.
Ngay sau khi thông báo trên được công bố, cổ phiếu của Tập đoàn Phát triển công nghệ Trung Quốc (CTDG) cũng như các doanh nghiệp khác hoạt động trên lĩnh vực khai thác năng lượng mặt trời đã tăng giá rõ rệt: Thí dụ cổ phiếu của CTDG niêm yết tại thị trường chứng khoán NASDAQ (Mỹ) tăng 29%, của GT Solar International - công ty Mỹ chuyên cung cấp các thiết bị quang điện - tăng gần 25% v.v… Dấu hiệu này càng đáng mừng trong bối thời gian qua các doanh nghiệp nói trên nhìn chung đều lao đao trên thị trường chứng khoán do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và do giá dầu trên thế giới giảm mạnh.
Chú trọng phát triển các loại năng lượng sạch
Là một trong những nước đang đói năng lượng, đồng thời lại có mức độ ô nhiễm môi trường thuộc loại lớn nhất thế giới, những năm gần đây Trung Quốc có nhiều kế hoạch tham vọng nhằm phát triển các loại năng lượng sạch. Năm 2006 Trung Quốc thậm chí ban hành Luật Tái tạo năng lượng, trong đó buộc các công ty năng lượng phải tạo ra những tỷ lệ năng lượng sạch theo quy định.
Một cửa hàng bán các thiết bị quang điện ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải: Ở những vùng hẻo lánh, mặt trời là nguồn tạo điện năng duy nhất cho người dân.
Trong các dạng năng lượng tái sinh hiện nay, năng lượng mặt trời đặc biệt được chú ý. Trung Quốc hiện có hơn 150 công ty chuyên sản xuất các loại pin quang điện, nhưng chúng chủ yếu để xuất khẩu. Năm 2006, mức tiêu thụ năng lượng mặt trời của Trung Quốc chưa đến 10 MW, một con số quá nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ điện toàn quốc là 2,83 tỉ MW. Cũng vì thế chính phủ Trung Quốc đang đặt ra những mục tiêu to lớn trong việc khai thác nguồn năng lượng gần như là vô tận này (nhu cầu năng lượng loài người đang cần khoảng 400 EJ /năm, chỉ bằng khoảng 1/10.000 lần so với năng lượng mặt trời chiếu xuống trái đất là 3,8 triệu EJ /năm).
Trung Quốc có 30.000 ngôi làng với 30 triệu dân không sử dụng được điện lưới quốc gia. Trong vài năm tới, Trung Quốc dự định phát triển 180 MW điện năng lượng mặt trời ở các khu vực này. Bên cạnh xây dựng những nhà máy quang điện, chính quyền đặc biệt khuyến khích người dân lắp đặt các thiết bị tạo điện năng từ ánh mặt trời. Thành phố Thâm Quyến đã yêu cầu các cao ốc từ 12 tầng trở lên phải lắp đặt hệ thống dùng năng lượng mặt trời. Thượng Hải đã triển khai kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ NDT đẻ từ nay đến năm 2015 lắp đặt các tấm quang điện trên 100.000 mái nhà…