Sự kiện

Trường ca chinh phục sông Đà

Thứ hai, 16/1/2012 | 10:39 GMT+7
Chuẩn bị đón tết Nhâm Thìn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn công tác lên thăm công trình Thủy điện Sơn La. Tiết trời Sơn La những ngày cuối năm chìm sâu trong mưa rét.



Công trình thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Mọi năm bằng giờ 2 bên đường đã trắng xóa hoa mận, sáng rực hoa đào nhưng năm nay chỉ có những cành đào trơ trụi vì rét được bà con chào bán nhưng vắng khách thăm. Bầu trời cứ chợt nắng chợt mưa, đường lên Sơn La trơn như đổ mỡ, sương mù vấn vít bủa vây dày đặc. Những chiếc xe dò dẫm như bước vào thế giới mù mịt và hư ảo. Để kịp tác nghiệp, xe chúng tôi phải đi từ 4h30 sáng mới nhập được vào đoàn xe biển số 80B khi còn cách thành phố Sơn La 10 km.

Nghe nói Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên Thủy điện Sơn La từ ngày đầu khởi công, khi ông còn làm Bộ trưởng Tài chính. Nghĩa là đã 6 năm nay ông mới có dịp quay lại nơi đây. Có lẽ vì vậy mà trong câu chuyện của mình, ông đã không giấu nổi sự ngỡ ngàng thán phục trước một Sơn La tươi trẻ mỡ màng với bao đổi thay so với 6 năm trước. Đến Mường La, ông vào thẳng nhà máy, nơi 4 tổ máy đã đi vào vận hành, 2 tổ máy còn lại đang được khẩn trương lắp đặt. Ở đây không còn sự hối hả, náo nhiệt của một công trường đang xây dựng mà thay vào đó là không khí của một dự án đã đi vào chiều sâu. Những người thợ LILAMA 10 đang lao động 3 ca liên tục với sự miệt mài, cẩn trọng, chính xác cao độ để lắp đặt nốt 2 tổ máy còn lại. Sự kiện tổ máy số 4 hòa lưới thành công cách đây nửa tháng đã thực sự tạo niềm tin chắc chắn đảm bảo cho việc đưa tổ máy 5 và 6 về đích đúng hẹn, kết thúc 7 năm xây dựng một công trình vĩ đại, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này.

Từ trên đỉnh đập cao trình 228 m, nhìn ra bốn phía là những dãy núi chập chùng, những quả đồi xanh thẫm, ngôi nhà điều hành uy nghi như người lính gác. Điểm nhấn quan trọng nhất là hồ nước rộng mênh mông với dung tích 9,2 tỷ m3 nay đã đạt mức dâng bình thường 215 m nước. Vào buổi sáng, khi mặt trời chưa dậy, những làn sương khói bảng lảng trên mặt nước tạo nên vẻ đẹp thần bí thật khó tả. Khi mặt trời lên, 2 bên bờ là những vạt rừng với những mảng màu sáng tối thật hấp dẫn, những thửa ruộng bậc thang đẹp nao lòng, tiếng gió xào xạc trong rừng cây tạo nên bản nhạc đa âm của đại ngàn chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh. Ngoài mục tiêu phát điện, chống lũ chống hạn, lòng hồ này đang hứa hẹn 2 ngành kinh tế rất khả thi là nghề du lịch và nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Bí thư tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng “bật mí”: hiện nay lòng hồ đã cho thu hoạch khoảng 10 tấn cá/ngày, nếu tận dụng tốt hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Mảnh đất này đang dần được khai phá và không lâu nữa Sơn La sẽ thực sự trở thành địa phương dẫn đầu miền núi phía Bắc (hiện Sơn La đã đứng vị trí đầu đàn của vùng Tây Bắc).

Đã đến đây rất nhiều lần nhưng tôi nhớ nhất lần chạy thử không tải tổ máy 1. Cho dù rất tự tin nhưng từ các chuyên gia lâu năm tới những người thợ mới vào nghề đều không giấu nổi sự lo lắng trước một tổ máy “made in Việt Nam” đầu tiên có công suất tới 240 MW. Trong hầm máy, tôi cảm nhận được sự hồi hộp đến nghẹt thở của những công nhân lắp máy, kỹ sư vận hành mỗi khi máy chạy rồ lên rồi lại lịm đi, mọi người lại chia nhau lần mò từng chi tiết để tìm nguyên nhân. Phải mất một ngày đêm căn chỉnh, cuối cùng dòng điện đầu tiên cũng đã hòa vào lưới điện quốc gia, ánh đèn hiệu trên nóc tổ máy bật sáng trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người. Vạn sự khởi đầu nan, những tổ máy sau dễ dàng hơn nhiều. Đến nay đã có 5,2 tỷ kWh điện được phát lên lưới. Ông Nguyễn Thế Trinh, Phó TGĐ LiLama (vốn là kỹ sư trưởng của LiLama 10 tại Thủy điện Sơn La) rất tự tin: bây giờ thợ LiLama kinh nghiệm đã “đầy mình” rồi. – Liệu các tổ máy 5,6 có đảm bảo vận hành vào tháng 4 và tháng 8/2012 “theo lập trình” được không? – tôi hỏi. Điều đó thì “không phải nghĩ”, ông cười hóm hỉnh. Đứng “buôn chuyện” với một công nhân lắp máy của LiLama, tôi không khỏi nao lòng khi nghe anh bày tỏ: Quê tôi ở vùng nông thôn nên rất hay bị cắt điện luân phiên vào mùa khô. Chúng tôi làm cật lực với hy vọng mùa hè năm nay sẽ đủ điện, các con tôi sẽ không còn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên nữa. Ý nghĩ “tự tư tự lợi” của anh cũng thật đáng trân trọng.

 Là công trình trọng điểm quốc gia, lại có hồ chứa gần chục tỷ m3 nước nên chất lượng công trình là một trong những yếu tố được đặc biệt quan tâm. Như một lời tâm sự, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La kể về những đêm mất ngủ, những nỗi lo thắt ruột về sự an toàn của đập, bởi vì “với hàng tỷ m3 nước thế này, nếu đập có cơ sự gì thì việc khắc phục là vô cùng khó khăn”. Điều đáng mừng nhất hiện nay là nước đã lên cao trình 215 m mà đập vẫn an toàn. Được biết, bên cạnh công tác kiểm tra chất lượng định kỳ và đột xuất của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban quản lý dự án còn phối hợp với tư vấn giám sát nước ngoài giám sát chặt chẽ tất cả các hạng mục để giám sát chất lượng từ thẩm tra thiết kế, chất lượng vật liệu xây dựng đến thi công xây lắp. Đến nay, các hạng mục của công trình đều được hoàn thành nghiệm thu đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Trong câu chuyện của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc di dân tái định cư. Ông đánh giá rất cao sự ủng hộ của người dân, sự nỗ lực, cố gắng và sự phối hợp chặt chẽ, gắn bó giữa chính quyền địa phương với Ban quản lý dự án và các đơn vị thi công trong việc tổ chức di dời, tái định cư thành công 22.000 hộ dân, với tổng số 120.000-130.000 người. Người đứng đầu Quốc hội khẳng định sự thành công của chiến dịch di dân lớn nhất nước này đã đóng góp vào một nửa thành công của dự án. Theo ông, đến nay công trình Thủy điện Sơn La đã thực hiện được ba mục tiêu chính Quốc hội đã đề ra gồm: 4 tổ máy đã được hoà lưới điện Quốc gia, đến nay đã đạt sản lượng điện trên 5,2 tỷ kWh; Đập thuỷ điện Sơn La đã hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt thiết bị tràn, đã tích nước hồ chứa đến cao độ mức nước dâng bình thường 215m, đảm bảo chống lũ vào mùa mưa và cấp nước vào mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ; Vùng hồ thuỷ điện Sơn La đã góp phần vào phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, góp phần ổn định đời sống lâu dài cho các hộ tái định cư và người dân sở tại. Chủ tịch Quốc hội càng phấn khởi khi được biết hầu hết thiết bị cơ khí thủ công lắp đặt tại nhà máy đều là các thiết bị trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị toàn công trình đạt trên 30%. Ông đánh giá Dự án Thủy điện Sơn La là công trình điển hình của sự nỗ lực phát huy tính độc lập tự chủ, sự đoàn kết hợp tác. Thành quả của Nhà máy đã thể hiện rõ ý chí tự lực tự cường, truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm và năng lực sáng tạo của đội ngũ công nhân, trí thức Việt Nam trong việc thiết kế, triển khai, thi công đạt chất lượng cao một công trình trọng điểm quốc gia. Nhà máy được hoàn thành vượt tiến độ hơn 2 năm đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng thiếu hụt điện năng vào giờ cao điểm trong mùa khô tới, tiết kiệm cho đất nước 1,5 tỷ USD, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển đất nước. Đây thực sự là dự án mẫu mực về tiến độ, chất lượng và an toàn. Chủ tịch yêu cầu các địa phương phải phối hợp làm tốt công tác chính sách cho bà con tái định cư. Chủ đầu tư và các nhà thầu, tư vấn giám sát phải tập trung lắp đặt thiết bị các tổ máy còn lại đảm bảo mục tiêu phát điện các tổ máy số 5 và 6 vào tháng 4 và tháng 8/2012. Đẩy nhanh công tác quyết toán các hạng mục công trình. Tiếp tục thực hiện tốt công tác vận hành các tổ máy đảm bảo an toàn và ổn định, thực hiện đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở tiến độ đã được phê duyệt phấn đấu khánh thành Dự án xây dựng công trình vào cuối năm 2012.

Lãnh đạo, CBNV Nhà máy Thủy điện Sơn La vô cùng xúc động khi Chủ tịch Quốc hội tặng biểu trưng trống đồng cho Nhà máy. Ông nói món quà này biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc, thay cho lời chúc tết, lời chúc sức khỏe hạnh phúc, lời kêu gọi đoàn kết, hợp tác, phát huy tính độc lập tự chủ của người thợ. Đây cũng là lời động viên đội ngũ công nhân, trí thức Việt Nam phát huy năng lực sáng tạo để tiếp tục hoàn thiện bản trường ca chinh phục sông Đà, viết tiếp những trang sử hào hùng vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Nhìn ánh mắt ấm áp của những người thợ, chúng tôi hiểu rằng, giữa cái rét tê tái của đất trời Sơn La, không khí xuân vẫn đang tràn ngập trong lòng những người thợ.
 
Ghi chép của Ngọc Loan