Sự kiện

Quy hoạch điện VII tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngành điện sản xuất và sử dụng các sản phẩm cơ khí hỗ trợ

Thứ tư, 11/1/2012 | 16:30 GMT+7
Với mục tiêu sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng có hiệu quả trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quyết định số 1208/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII).
 


Cốt thép mạ kẽm do Nhà máy Cơ khí mạ sản xuất.

Những dự án trọng điểm

Theo Quy hoạch điện VII, chỉ tính giai đoạn từ năm 2011 - 2020, trên phạm vi cả nước sẽ xây dựng hàng trăm công trình thủy điện, nhiệt điện, với tổng công suất đặt khoảng 54.294 MW, trong đó có nhiều dự án thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La; Lai Châu; A Lưới; Đak My 4; Se Kman 3 (Lào); An Khê...; các dự án nhiệt điện lớn như Uông Bí; Nghi Sơn; Mông Dương; Vĩnh Tân; Duyên Hải; Quảng Trị; Nam Định;… Đối với lưới điện truyền tải, Quy hoạch sẽ có hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (từ 2011 - 2016), trên địa bàn cả nước sẽ tăng cường thêm: 27 máy biến áp (MBA) 500 kV với tổng công suất 17.100 MVA; xây dựng 51 mạch đường dây 500 kV với chiều dài 3.833 km và 10.637 km đường dây 220 kV; lắp đặt thêm 171 máy biến áp 220 kV với tổng công suất 35.836 MVA. Giai đoạn 2 của Quy hoạch (từ 2016 - 2020) sẽ có thêm: 31 trạm biến áp 500 kV với tổng công suất là 26.750 MVA; 79 mạch với 4.539 km đường dây 500 kV và 5.305 km đường dây 220 kV; bổ sung thêm 175 MBA với tổng công suất là 39.063 MVA…

Định hướng phát triển cơ khí hỗ trợ

Quy hoạch điện VII sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành điện phát triển mạnh ngành cơ khí hỗ trợ và nội địa hóa các sản phẩm, giúp cho các đơn vị sản xuất tăng cường đầu tư và đa dạng hóa nguồn vốn, thu hút sự tham gia của nước ngoài vào công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng của ngành điện; các cơ sở sản xuất thiết bị, phụ tùng điện phấn đấu để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, hình thành một số liên hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị điện với các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước làm nòng cốt. Đổi mới hiện đại hóa các nhà máy cơ khí điện hiện có, mở rộng liên doanh, xây dựng nhà máy mới, tạo ra các khu vực chế tạo thiết bị điện, phấn đấu đến năm 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phối, chế tạo, đồng thời, chế tạo 50-60% thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than…

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát huy nội lực, bên cạnh phát triển các cơ sở sản xuất cơ khí điện lực của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng cường sản xuất và sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước, hạn chế tối đa sử dụng thiết bị, vật tư nhập khẩu để cung cấp sản phẩm cho các dự án nguồn và lưới điện. Năm 2010, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của EVN chiếm 51,8% tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, trong đó có các dự án tỷ lệ nội địa hoá cao như dự án Thuỷ điện Huội Quảng chiếm 81,91% tổng giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu; nhiều dự án cải tạo, nâng công suất truyền tải, phân phối sử dụng 100% sản phẩm trong nước như máy biến áp, cáp, cột điện...

Đẩy mạnh chế tạo sản phẩm cơ khí điện

Đặc biệt, các doanh nghiệp cơ khí điện lực Việt Nam đã khẳng định được năng lực của mình qua việc chế tạo và sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng như cột thép mạ kẽm; dây cáp trần tải điện AC; máy biến áp các loại; thiết bị đo điện;... Riêng máy biến áp truyền tải có cấp điện áp 500 kV (ngày 21/11/2011, máy biến áp 500 kV đầu tiên do Công ty CP thiết bị điện Đông Anh thiết kế và chế tạo đã được đưa vào vận hành thành công tại Trạm biến áp Nho Quan - Ninh Bình); thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị nâng hạ và cấu kiện cho nhiều dự án lớn, có tầm quan trọng quốc gia như thủy điện Buôn Kuốp (280 MW); thủy điện Bản Vẽ (320 MW); A Vương (210 MW); thủy điện Sơn La (2.400 MW)... Những sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí được đánh giá cao về chất lượng, có uy tín, giá cả hợp lý, có thể thay thế hàng nhập khẩu. Trong đó, sản phẩm máy biến áp 500 kV được chế tạo có tỷ lệ nội địa hóa theo giá trị là 45% và theo khối lượng gia công tới 95%. Sản phẩm máy biến áp và các phụ kiện như dây dẫn tải điện, cầu dao, tủ bảng điện… đều được chế tạo theo tiêu chuẩn IEC, TCVN, ASTM…, có chất lượng tương đương với nhập ngoại và giá thành thấp hơn từ 15-20%.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, EVN còn làm chủ đầu tư và đưa vào vận hành phát điện 18.984 MW công suất nguồn điện, chiếm 35% tổng số các dự án nguồn điện, xây dựng mới nhiều công trình lưới điện truyền tải, phân phối. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp cơ khí điện lực, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, do vậy, EVN đã định hướng sử dụng các sản phẩm cơ khí điện lực trong ngành sản xuất, cụ thể:

Trong đấu thầu, các dự án/gói thầu được xây dựng và thực hiện trên cơ sở tối đa hoá vật tư thiết bị trong nước sản xuất được, trừ trường hợp do yêu cầu của nguồn vốn hoặc của bên cho vay; Đối với các dự án được tài trợ bởi nguồn vốn ODA, các gói thầu phải đấu thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ, chủ động đưa ra các ưu đãi đối với các sản phẩm trong nước trong các hồ sơ mời thầu; Còn các dự án EPC, trong quá trình thương thảo hợp đồng, yêu cầu tổng thầu thuê các nhà thầu phụ trong nước và sử dụng các vật tư, thiết bị, máy móc trong nước sản xuất được như cáp điện, động cơ điện, kết cấu thép, thiết bị cơ khí thuỷ công, thiết bị nâng hạ... Trong công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, thay thế thiết bị, ưu tiên tìm nguồn cung cấp vật tư, thiết bị, phụ tùng được chế tạo, gia công trong nước... Theo ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đầu tư, trang thiết bị công nghệ hiện đại để mở rộng quy mô, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng thiết kế, chế tạo, giảm giá thành của các đơn vị sản xuất cơ khí điện lực, thì EVN còn chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên chủ động giảm tỷ lệ vốn góp của EVN tại các công ty cổ phần cơ khí điện lực xuống dưới 51%, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia đấu thầu quốc tế.

Cần tạo cơ chế đồng bộ

Có một thực tế là trong những năm vừa qua, ở nhiều dự án, công trình khi đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư vẫn chưa “dũng cảm” sử dụng các vật tư, thiết bị do các doanh nghiệp cơ khí trong nước sản xuất (mặc dù biết rằng, các sản phẩm đó đều đạt yêu cầu chất lượng), kể cả khi có Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn Nhà nước, cũng như Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2840/QĐ-BCT ngày/28/5/2010 về Danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, khiến cho nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh chia sẻ: Vướng mắc nhất hiện nay của nhiều doanh nghiệp cơ khí là vốn sở hữu của Nhà nước tại các công ty cổ phần thường lớn hơn 50% nên việc tham gia đấu thầu có vốn đầu tư nước ngoài không được chấp nhận, mặc dù hồ sơ và thực tế đã thỏa mãn các điều kiện của nhà thầu. Cũng có không ít doanh nghiệp cơ khí trong nước than thở rằng, hiện nay, Luật Đấu thầu cũng có những quy định rất không chặt chẽ, như muốn thắng thầu một dự án thì có một tiêu chí là giá thầu phải thấp hơn, hoặc không quy định các nhà thầu ngoài năng lực sản xuất, phải có năng lực về sửa chữa, nên cứ giá thầu thấp là trúng thầu…

Quy hoạch điện VII sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí, đặc biệt là các doanh nghiệp cơ khí điện lực đẩy mạnh sản xuất và sử dụng các sản phẩm trong nước chế tạo, nhưng để công nghiệp phụ trợ phát triển thì Nhà nước cần tạo cơ chế đồng bộ để khuyến khích các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư và sử dụng ngày càng nhiều hơn các vật tư, thiết bị cơ khí điện, phục vụ đắc lực cho thi công các dự án nằm trong Quy hoạch điện VII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tạp chí Công nghiệp