Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam
Khi được hỏi năm Nhâm Thìn sắp đến, ông quan tâm nhất điều gì, ông trả lời không chút đắn đo: tất nhiên là sự phát triển của ngành điện, cụ thể là Quy hoạch điện VII. Tại sao? Vì đây là xương sống cho nền kinh tế. Theo ông Ngãi, để hoàn thành Quy hoạch điện VII, trước hết phải học kinh nghiệm của chính mình.
Bài toán không dễ tìm lời giải
Ông có tin tưởng vào sự thành công của Quy hoạch điện VII?
Thời gian qua, ngành điện rất cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện cho đất nước. Đặc biệt năm 2011 đã hạn chế đáng kể việc tiết giảm điện. Tất nhiên, phải thừa nhận năm 2011 có nhiều yếu tố thuận lợi như nước về nhiều, khủng hoảng kinh tế đã khiến tăng trưởng công nghiệp chậm lại nên áp lực về điện không quá căng thẳng. Tuy nhiên, những năm tới mới là thử thách thực sự của ngành năng lượng. Quy hoạch điện VII được xây dựng khá công phu và đồ sộ với yêu cầu đến năm 2020 cả nước phải có tổng công suất 75.000 MW. Nếu hoàn thành được Quy hoạch này là đảm bảo tới 70% kế hoạch xây dựng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển ngành điện, đến nay cả nước mới có 24.000 MW. Vậy 51.000 MW còn lại liệu có thể hoàn thành trong 9 năm nữa được không? Rõ ràng, đây là bài toán không dễ tìm lời giải.
Muốn đủ điện, phải tháo gỡ từ than, khí
Theo ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, trữ lượng thủy điện công suất 50 MW trở lên đã khai thác hết. Nguồn than, khí, dầu ngày càng cạn kiệt. Năng lượng nguyên tử vẫn đang trong kế hoạch. Theo tính toán, trong 51.000 MW cần xây dựng từ nay đến năm 2020 có tới 46% là nhiệt điện than, nghĩa là cần tới 79 triệu tấn than. Trong khi hiện nay nguồn than cung cấp cho điện chỉ đạt 10 triệu tấn, còn 69 triệu tấn sẽ lấy ở đâu. Cũng như thế, nguồn khí hiện nay mới chỉ cấp được trên 5 tỷ m3, yêu cầu đến năm 2020 cần 15-20 tỷ m3/năm thì số còn lại sẽ giải quyết như thế nào. Rõ ràng, để có điện, phải tháo gỡ từ than và khí. Với nguồn than, có 3 hướng cung ứng là than Quảng Ninh, than sông Hồng và than nhập khẩu.
Mỏ than Quảng Ninh trữ lượng còn trên 1 tỷ tấn nhưng muốn khai thác phải xuống hầm lò sâu tới -400 m. Suất đầu tư mở thêm hầm lò lên tới 300 triệu USD/lò để khai thác 2,5 – 3 triệu tấn than/năm. Nếu đầu tư khoảng chục lò sẽ cần 3 tỷ USD nhưng khai thác được 30 triệu tấn/năm, đỡ rất nhiều cho nhập khẩu, vừa chủ động được nhiên liệu, vừa có nguồn than rẻ. Vấn đề là vốn ở đâu. Giải pháp nhập khẩu than là cần thiết nhưng giá quá đắt và khó tìm nguồn. Hiện than sạch trong nước giá 50 USD/tấn trong khi chúng ta vừa nhập khẩu 6 vạn tấn than nguyên khai với giá 110-120 USD/tấn và chắc chắn sẽ ngày càng tăng. Đó là chưa kể, hiện nay chỉ có 2 nước đồng ý bán than là Austraulia và Indonexia nhưng số lượng rất hạn chế, có tiền chưa chắc đã mua được.
Riêng bể than sông Hồng trữ lượng ước tính trên 200 tỷ tấn đang mở ra nhiều hy vọng. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng vốn đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc nên không dễ “lật mặt” lên để lấy than. Các nhà khoa học đang tính đến việc khí hóa than ở vùng đông dân cư (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên…). Những nơi có điều kiện thì khai thác hầm lò (Thái Bình, Hà Nam, Nam Định…). Muốn thế phải khảo sát xác định chiều sâu và tiến hành khai thác ngay để khắc phục ngay mức thiếu hụt càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái gì.
Dầu khí thì nay mới đáp ứng 37% nhu cầu, đầu tư tìm kiếm thăm dò ra ngoài chưa có hiệu quả. Phải tính đến giải pháp nhập khẩu khí hóa lỏng để cung ứng cho phát điện 10.000 MW.
Phát triển năng lượng tái tạo cũng rất khả thi. Nếu làm điện nguyên tử chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài từ nhập khẩu nhiên liệu tới chuyên gia xây dựng vận hành, xử lý sự cố thì phát triển năng lượng tái tạo thuận lợi hơn nhiều. Tiềm năng điện gió ở Việt Nam rất lớn, đầu tư điện gió yêu cầu vốn cao nhưng thời gian nhanh. Điện mặt trời nên tập trung về nông thôn, thị trấn, thị tứ, miền núi, hải đảo. Nên chú trọng thủy điện nhỏ ở những vùng xa xôi mà không cần đắp đập phá rừng, nhất là thủy điện cực nhỏ không cần nhiều vốn, không phải đầu tư lưới điện. Công việc còn lại là hướng dẫn người dân cách sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Vấn đề đầu tiên là tiền ở đâu?
Như vậy có vẻ bài toán năng lượng đã tìm ra lời giải, thưa ông?
Không dễ đâu, đó mới chỉ là giả thiết. Vấn đề là tìm đâu ra tiền để làm những việc này.
Với ngành Than, muốn vay tiền khai thác mỏ thì phải có 30% vốn đối ứng, việc này vượt quá khả năng của ngành Than. Để xây dựng 51.000 MW, trong 9 năm cả nước cần tới 200 tỷ USD (150 tỷ USD xây dựng nguồn, 50 tỷ USD xây dựng lưới). Trong đó, chúng ta chỉ có thể giải quyết được 40%, còn lại phải kêu gọi các dự án BOT, IPP. Cụ thể, EVN có thể làm được 8000-10.000 MW nhưng bức tranh tài chính của EVN quá mờ mịt nên không thể vay vốn được. Vinacomin có thể làm 6.500 MW nhưng không có vốn đối ứng, tỷ suất lợi nhuận thấp nên đi vay cũng rất khó. Khả quan nhất là PVN có thể lo được vốn đối ứng để vay tiền làm tới 7000 MW. Tuy nhiên, các ngân hàng trong nước chỉ có thể cho vay tối đa tới 10 tỷ USD. Nguồn vốn ODA thì mục tiêu chính của họ là an sinh xã hội nên vốn dành cho điện không nhiều. Rõ ràng, để thực hiện Quy hoạch điện VII, chúng ta rất cần có thêm quy hoạch năng lượng sơ cấp và quy hoạch vốn để hỗ trợ. Hiện nay tiến độ xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện mất 7-8 năm. Như vậy, để đảm bảo hoàn thành Quy hoạch điện VII thì các dự án phải đồng loạt khởi công ngay trong năm nay mới kịp. Thế nhưng chưa biết bao giờ mới bắt đầu. Chính sách đấu thầu cũng nên cởi mở hơn. Nếu nhà thầu có đủ năng lực thì có thể chỉ định thầu để kịp tiến độ Quy hoạch điện VII, tuyệt đối không nên vì tham rẻ mà biến đấu thầu thành đấu giá. Chính sách giá điện cần đón đầu với giá hấp dẫn hơn vì đến lúc dự án vận hành thì lộ trình tăng giá điện cũng đến 8-9 cent theo chủ trương của Chính phủ. Vấn đề là, chúng ta vẫn đang thiếu cơ chế.
Quan trọng nhất vẫn là con người
Cơ chế thì trong tầm tay rồi, thưa ông?
Có phải cái gì trong tầm tay cũng nắm bắt được đâu. Ví dụ: các dự án điện trọng điểm vẫn có chính sách vay vốn ưu đãi nhưng đâu có dễ giải ngân. Giá điện chưa hấp dẫn đầu tư nhưng không thể tăng mạnh vì phải kiềm chế lạm phát. Vận hành thị trường điện chưa suôn sẻ. Hệ số đàn hồi còn quá cao nhưng vẫn chưa có chế tài bắt buộc. Nguồn năng lượng tái tạo cần được trợ giá nhưng chính sách còn hạn chế, hơn nữa tìm nguồn để bù đâu có dễ.
Vậy, đâu là chìa khóa để “Vừng ơi, mở ra”?
Chìa khóa chính là con người vì mọi cơ chế chính sách, năng lực… đều do con người quyết định.
Tại sao không học tập chính mình?
Là một chuyên gia, ông có hiến kế gì cho Chính phủ để Quy hoạch điện VII trở thành hiện thực?
Có 3 giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, Chính phủ phải thành lâp một Ban chỉ đạo, ở đó người đứng đầu phải có thực quyền quyết định tất cả những vấn đề về tài chính, nhân lực, chính sách mà không phải chờ đợi hàng năm trời để xin ý kiến Chính phủ hay các Bộ, ngành. Thứ hai, phải kiểm tra tiến độ thường xuyên, nếu cần có thể “trảm” luôn cả dự án không hiệu quả để dồn sức cho dự án khác. Thứ ba, chọn thầu phải nhắm tới tổng thầu đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm. Về chất lượng thiết bị nên chọn các nước G7. Đặc biệt, phải làm tốt công tác tuyên truyền để huy động tất cả mọi lực lượng cùng vào cuộc.
Bài học về xây dựng đường dây 500 kV cho thấy, Việt Nam đã hoàn thành trong 2 năm trong khi với một công trình tương tự, thế giới phải làm trong 8 năm. Được như vậy là nhờ hồi đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dám nghĩ dám làm, biết dựa vào ngành điện, lại huy động đông đảo lực lượng quân đội, công an vào cuộc. Công trình Thủy điện Sơn La về đích trước 2 năm cũng nhờ Chính phủ đích thân điều hành, nguồn vốn cung ứng đủ, lại chọn được tổng thầu có năng lực, được sự ủng hộ của người dân trong việc di dân tái định cư. Nếu biết học tập kinh nghiệm từ chính mình, chúng ta sẽ có thể làm rất tốt những dự án sắp tới để đưa Quy hoạch điện VII trở thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông!