Thi công tại bờ phải của Thủy điện Lai Châu
Gian nan mảnh đất ven trời
Trước khi đến Lai Châu, tôi đã được mấy anh ở ban Quản lý dự án thủy điện Lai Châu “nắn gân”: đường lên Lai Châu rất nhiều đèo dốc, thời tiết Lai Châu cũng rất khắc nghiệt với hai mùa rõ rệt. Mùa mưa nước dội trắng trời, mưa triền miên không ngớt, mưa đến lở đường vỡ núi. Mùa khô thì cỏ cây xơ xác, nắng hong bạc cả đất, nắng tung bụi mù trời. Năm trước, tôi đã đến Lai Châu vào mùa mưa. Không gặp những cơn mưa trắng trời nhưng tôi đã gặp những trận lở núi khủng khiếp trên đường Sapa đi Tam Đường, Còn năm nay, chúng tôi đi theo đường Điện Biên – Mường Tè dự lễ khởi công Thủy điện Lai Châu vào mùa khô. Nhìn trên bản đồ, tỉnh Lai Châu nép sát biên giới nhỏ như chiếc cúc áo, trong đó, riêng huyện Mường Tè choán gần nửa diện tích cả tỉnh. Đây là huyện khó khăn, gian nan nhất của tỉnh Lai Châu. Người dân ở đây rất ít khi được thấy ô tô và chưa hề biết đến internet. Đoạn đường Điện Biên - Mường Tè chỉ gần 150 km nhưng chủ yếu là đường trườn theo lưng núi bám dọc Sông Đà nên rất cheo leo. Điều rất lạ là trong khi Hà Nội rét tê rét tái thì Mường Tè lại nắng như đổ lửa. Những chiếc áo đại hàn được chuẩn bị từ Hà Nội bỗng trở nên vướng víu. Lúc xe mới chạy, mọi người còn cười nói râm ran, trầm trồ nắc nỏm mỗi khi nhìn xuống thung lũng. Mọi thứ đều bồng bềnh trong sương, mơ hồ, huyền ảo như rừng cổ tích. Bên đường đã có những cột điện đang được trồng mới, những mái nhà lác đác mọc lên. Lúc sau, tiếng cười nói thưa dần vì xe lắc quá. Và bụi. Bụi tung lên từng mảng, bụi phủ trắng cây cỏ, bụi phủ dày lên cả những ngôi nhà ven đường, ngồi trong xe cũng cảm giác ngửi thấy bụi. Thế nhưng kinh khủng nhất là những khúc cua. Thú thực là tôi chưa đi qua nơi đâu nhiều khúc cua như vậy. Suốt chặng đường heo hút, đường sá ngoằn ngoèo, quanh co, khúc khuỷu, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Thỉnh thoảng lại có những đám mây mù sà xuống che hết tầm nhìn. Anh tài xế cứ căng mắt gồng tay đảo vô lăng kiên tục. Xe hết nảy lên lại chồm xuống, hết ngoặt trái lại rẽ phải đến thót tim. Mọi người lăn lóc trên xe, hết dúi sang phải lại dụi sang trái. Một cậu phóng viên pha trò: Nếu rang lạc trên xe, đảm bảo không cần phải đảo cũng không cháy hạt nào. Vẫn không ai cười nổi. Say, mệt rũ người nhưng không ai dám ngủ vì cứ nghĩ khôn nghĩ dại đủ điều. Thỉnh thoảng, những chuyến xe chở xăng dầu, chở vật liệu lên công trình thủy điện vẫn làm lũi đi trong sương mù. Tôi chợt nghĩ, không hiểu đã có ai tính đếm xem phải tốn bao nhiêu mồ hôi, công sức cho mỗi kWh điện?. Thêm nữa, sự khó khăn về giao thông chắc chắn là nguyên nhân không nhỏ làm cho huyện Mường Tè chậm phát triển như thế này.
Tiếng gọi nơi thượng nguồn sông Đà
Chật vật mãi rồi cũng đến được xã Nậm Hàng (huyện Mường Tè), nơi sẽ đặt nhà máy Thủy điện Lai Châu, công trình thủy điện lớn thứ 3 cả nước và cũng là bậc thang trên cùng được xây dựng trên sông Đà. Khi hoàn thành công trình sẽ có tổng công suất thiết kế 1.200 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh phục vụ cho Tổ quốc. Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch Hội đồng thành viên EVN – đơn vị chủ đầu tư cho biết: Để có được công trình này, những người thợ ở đây phải đào gần 15 triệu m3, đắp gần 2,6 triệu m3 đất đá, nhiều hơn cả thủy điện Sơn La; đổ trên 3,6 triệu m3 bê tông; 49.465,7 tấn cốt thép; khoan phụt xi măng 82.410 m; lắp đặt 31.833 tấn thiết bị công nghệ. Chúng tôi gặp đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Lai Châu của Tổng công ty Trường Sơn, đơn vị sẽ đảm nhận khoảng 30% khối lượng thi công của cả công trường. Theo ông Đạt, thi công ở Lai Châu khó khăn hơn Thủy điện Sơn La vì đường xá xa xôi, địa hình hiểm trở. Nơi đây lại rất xa bản làng nên không thể khai thác tiềm năng địa phương mà tất cả đều phải chở dưới xuôi lên. Tổng công ty Trường Sơn có nhiệm vụ thi công bên bờ phải, từ cao trình 420 m xuống cao trình 200 m. Thiết bị vượt sông không có, chiếc cầu duy nhất đã bị trận lũ vừa qua cuốn trôi. Khó khăn nhất là thời gian rất gấp vì liên quan đến các công trình bậc thang phía dưới, nếu không kịp tiến độ sẽ phải chờ qua mùa mưa, tốn kém thêm gần 3000 tỷ đồng. Vấn đề là nhân lực đủ, máy không thiếu nhưng không thể huy động tối đa lực lượng vì mặt bằng thi công quá chật hẹp. Mặc dù vậy, Tổng công ty Trường Sơn vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành đắp đê quây, kênh dẫn dòng vào tháng 4 này để hoàn thành công trình chống lũ. Đến nay giai đoạn 1 đã hòan thành, giai đoạn 2 đang triển khai rất khẩn trương. Chỉ khi đảm bảo ngăn được lũ trong mùa mưa tới thì các công đoạn tiếp theo của công trình mới tiếp tục triển khai được. Được biết, từ tháng 4/2010, Trường Sơn đã điều quân lên đây xây dựng lán trại với 90 gian nhà đầy đủ tiện nghi, kể cả bình nóng lạnh, ti vi, điều hòa. Còn ông Lê Văn Lực, Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1, những người đến đầu tiên, về sau cùng của các công trình thủy điện cho biết: ý tưởng về một thủy điện Lai Châu đã xuất hiện từ năm 1997, khi Quốc hội quyết định chọn phương án Sơn La thấp với công suất 2.400 MW thay cho phương án Sơn La cao 3.600 MW. Khi đó, các nhà thủy điện liền tính tới việc xây dựng thêm Thủy điện Lai Châu để tận dụng nốt tiềm năng thủy điện của 1.200 MW còn lại của dòng sông Đà. Vì đây là công trình rất gần Trung Quốc nên các nhà khảo sát đã phải sang Trung Quốc tìm hiểu rất kỹ về tình hình thủy văn, thủy năng, quy hoạch khai thác của các bậc thang thủy điện bên đó ra sao, lưu lượng nước về thế nào để tính toán xây dựng cho các bậc thang thủy điện ở Việt Nam. Ông Lực cũng cho biết, đến nay, công việc khảo sát cơ bản đã xong, thiết kế kỹ thuật cũng cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, lực lượng giám sát tư vấn vẫn phải có mặt trong tất cả các công đoạn. Dù khó khăn nhưng mục tiêu của công ty là luôn dành những phần ưu đãi đặc biệt cho anh em đi công trường. Bên kia bờ sông, màu áo xanh nõn chuối đặc trưng của cánh Sông Đà vẫn đang hối hả với công việc của mình. Chỉ có ông Nguyễn Thế Trinh, kỹ sư trưởng của Lilama 10 là vẫn thủng thẳng: Chúng tôi đang lắp đặt nốt các tổ máy ở Thủy điện Sơn La, sau đó mới kéo quân lên đây. Yên tâm đi. Chắc chắn tổ máy 1 sẽ phát điện năm 2016, toàn công trình sẽ hoàn thành năm 2017.
Một Mường Tè đang thay da đổi thịt
Với lợi thế của địa hình núi dốc và nguồn tài nguyên nước, nhiều công trình thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ đã và đang được xây dựng ở đây như thuỷ điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Nhùn, Nậm Na và rất nhiều dự án thuỷ điện khác. Cùng với việc xây dựng thủy điện là hàng loạt các công trình, hạng mục thuộc hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đang được thi công như san gạt mặt bằng, sắp xếp dân cư; phát triển giao thông, các hệ thống dịch vụ, nhu yếu phẩm, bưu chính viễn thông; ngân hàng, bệnh viện, trường học, bến xe cũng được hoàn thiện. Tuyến đường chạy dọc bờ phải sông Đà từ Nậm Manh đi Mù Cả đã hoàn thiện cùng với 3 cây cầu cứng vượt sông Đà thay cho những cây cầu tạm trước đó. Tuyến đường từ Nậm Hàng đi Trung tâm huyện cũng được gia cố, tuyến đường tránh ngập Thủy điện Lai Châu chạy dọc trên đó đã được mở. Tất cả đang tạo nên một Mường Tè thay da đổi thịt từng ngày. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vấn đề giải quyết công ăn việc làm ổn định cho gần 2000 hộ dân sau tái định cư. Rồi công tác quản lý con người, nguồn vốn, bảo vệ môi trường, thậm chí cả việc biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó nếu không bảo vệ tốt rừng đầu nguồn. Giải quyết vấn đề này, Chính phủ, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã và đang tìm mọi giải pháp khắc phục. Đặc biệt, việc xây dựng thị trấn Nậm Hàng theo chủ trương tách huyện và tiến đến xây dựng thị xã công nghiệp trong tương lai sẽ là cơ hội cho người dân địa phương phát triển các ngành nghề mới như dịch vụ, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản cùng với trồng cây cao su, kết hợp sản xuất nông nghiệp với bảo vệ và phát triển rừng, phát triển thảo quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển vùng rau xanh, nghề thủ công… Hy vọng, những lợi thế từ Thủy điện sẽ là cơ hội để Lai Châu bứt phá, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc ở Mường Tè nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.