Sự kiện

Điểm sáng từ những dự án thủy điện vượt tiến độ

Thứ hai, 17/1/2011 | 09:19 GMT+7
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện hiện đang tăng bình quân 17-18%/năm. Đây là mức tăng rất cao và trong ít nhất 20 năm nữa, nhu cầu này sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ hai con số. Trước tình hình căng thẳng về cung ứng điện, nhiều công trình thủy điện đã được khởi công xây dựng nhằm tạo ra nguồn điện sạch, đảm bao an ninh năng lượng quốc gia. Đối với nhiều công trình trọng điểm quốc gia, việc hoàn thành đúng tiến độ dự án luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu khi lâu nay việc chậm tiến độ đã được nhắc đến như một căn bệnh cố hữu. Đặc biệt với các công trình nguồn điện, trong điều kiện thiếu hụt  điện cung ứng cho sản xuất và đời sống nhân dân hiện nay, thì việc hoàn thành vượt tiến độ so với kế hoạch dự kiến là một điểm sáng cần tuyên dương.

Toàn cảnh thi công Công trình Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà

“Nhà thầu” chưa bao giờ lỗi hẹn

Bên cạnh những yếu tố về nội lực Việt Nam làm nên kỳ tích vượt tiến độ, một phần không nhỏ đến từ những yếu tố “ngoại lực” là các nhà thầu cung cấp thiết bị cho dự án, tiêu biểu là những nỗ lực của tập đoàn Alstom đối ngành thủy điện Việt Nam.

Từ năm  1994, Alstom đã có mặt tại Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn công suất 2x33MW với việc cung cấp trọn gói thiết bị công nghệ của nhà máy và tới năm 1997, lại tiếp tục cung cấp máy phát điện và thiết bị điện cho Dự án thủy điện Sông Hinh (2x36 MW). Danh sách các nhà máy điện sử dụng thiết bị chính, hoặc thiết bị điều khiển, cơ điện hay được hỗ trợ trong thiết kế lò hơi từ Alstom tới nay đã xấp xỉ 20 dự án với những cái tên như Thủy điện Đại Ninh, Sông Tranh 2, Sơn La, Nhiệt điện Phú Mỹ 4... Như vậy, Alstom thực sự không phải là một “người lạ” đối với thủy điện Việt Nam. Tuy nhiên, sau những nỗ lực giúp thủy điện Sê San 4 và đặc biệt là thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cán đích vượt tiến độ.

Dự án Thủy điện Sê San 4 là công trình cuối cùng về phía hạ lưu của hệ thống sống Sê San theo quy hoạch của EVN và cũng là công trình có công suất lớn thứ 2, sau Thủy điện Ialy trên tuyến sông này. Công trình gồm 3 tổ máy với tổng công suất 360 MW, sản lượng điện cung cấp lên lưới quốc gia 1,5 tỷ KWh/năm, với tổng vốn đầu tư 5.800 tỷ đồng đã được khởi công vào tháng 11-2004. Thủy điện Sê San 4 về đích vượt tiến độ đã góp phần giảm tải cho cung cấp điện mùa khô 2010. Cung cấp thiết bị đúng tiến độ của Alstom đã góp phần đưa nhà máy vào vận hành sớm.

Alstom là một trong những nhà sản suất thủy điện hàng đầu ở Trung Quốc. Cho đến nay, Alstom đã ký các hợp đồng cung cấp tua bin thủy điện và máy phát điện với tổng công suất 43 GW ở nước này, ngoài 28 GW đang vận hành thương mại. Alstom đã trực tiếp tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Tam Hiệp, là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, trong đó Alstom cung cấp 14 trong số 32 tổ máy của nhà máy này với công suất tổ máy là 700 MW. Các công trình khác gần đây bao gồm Li Yuan (bốn tổ máy 600 MW) và Xiangjiaba (bốn tổ máy 800 MW). Các tua bin 800 MW mà Alstom thiết kế, chế tạo và lắp đặt cho nhà máy Xianjiaba là những tua bin thủy điện lớn nhất thế giới cho đến nay.

Đóng góp kỳ tích cho thủy điện Sơn La

Với dự án Thủy điện Sơn La – một công trình thủy điện có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, những nỗ lực từ phía Alstom đã góp phần cùng nội lực Việt Nam tạo ra một kỳ tích lớn với việc tổ máy số 1 phát điện sớm hơn kế hoạch Quốc hội phê chuẩn 2 năm, làm lợi 1 tỷ USD.  Đối với dự án này, toàn bộ thiết bị do Alstom cung cấp đã vượt qua một cách thành công các thử nghiệm tin cậy và thông số vận hành về thiết kế, chế tạo và lắp đặt, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng và các nhà chức trách. Do việc chế tạo thiết bị chính được bắt đầu có phần chậm hơn so với thi công xây dựng trên công trường, nên phía Alstom đã phải nỗ lực đáng kể trong việc cung cấp thiết bị, đảm bảo mục tiêu phát điện mà phía Việt Nam mong muốn. Rôto được cung cấp này có trọng lượng là 210 tấn, đường kính 8,3 m, chiều cao 3,83 m. Với sự trợ giúp của Trung Tâm Công nghệ Alstom ở Grenoble, nhà máy Alstom Thiên Tân đã tối ưu hóa quá trình chế tạo,  rút ngắn nhất thời gian sản xuất. Điều này không chỉ đảm bảo cung cấp đúng thời gian rôto đầu tiên mà còn đảm bảo cho kế hoạch nghiệm thu tổ máy đầu tiên vào năm 2010.

Ông Michel Burtin, Trưởng đại diện của Alstom tại Việt Nam cho biết: “Alstom vô cùng tự hào khi được chung tay cùng Tập đoàn điện lực Việt Nam làm nên kỳ tích này. Các chuyên gia của Alstom Hydro và đội ngũ cán bộ ở Viêt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hi vọng rằng chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn nữa để tiếp tục đưa công nghệ và kinh nghiệm của Alstom đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.”

Với 6 tổ máy, công suất 2.400 MW, nhà máy thuỷ điện Sơn La có hồ chứa khoảng 9,6 tỷ m3 nước. Ngoài mục tiêu phát điện, vào mùa lũ, hồ chứa với dung tích 4 tỷ m3 nước còn có tác dụng chống lũ cho hạ du và cung cấp nước vào mùa khô./

Thanh Mai