Ảnh: VGP/Lưu Hương.
Hệ thống điện mặt trời này bao gồm 160 tấm pin năng lượng mặt trời IREX 310 Wp cùng các thiết bị đi kèm, được tính toán để chịu được những rủi ro từ thời tiết, được lắp đặt trên tổng diện tích 331 m2. Dự kiến, hệ thống sẽ sản sinh được 75.025 kWh/năm (tương đương với mức đạt 208,4 kWh/ ngày), đáp ứng được khoảng 7,1% nhu cầu tiêu thụ điện của nhà trường.
Theo tính toán, giải pháp này sẽ giúp phía nhà trường tiết kiệm được 4,8% chi phí điện mỗi năm trong vòng 12 năm đầu, và khoảng 7,1% trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh giá trị kinh tế chứng minh được qua con số, hệ thống còn góp phần giảm thiểu khoảng 49,607 tấn CO2 mỗi năm thải ra môi trường. Ngoài ra, đây còn là mô hình năng lượng mặt trời trực quan về nghiên cứu, đào tạo dành cho sinh viên.
Với mô hình này, Đại học Bách khoa Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trường đại học đi đầu về phát triển mô hình giáo dục trải nghiệm, đem đến nguồn nhân lực chất lượng hơn, từ đó tạo đà cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch nói riêng và của đất nước nói chung.
Ông Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng khẳng định: “Trong năm tiếp theo, nếu nhiều sinh viên có hứng thú với mảng năng lượng sạch, chúng tôi sẽ cân nhắc đến việc mở ngành học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực cho thị trường”.
Theo: VGP News