Nỗ lực bám tuyến
|
Nâng cấp, mở rộng trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh |
Theo chân những người thợ Đội Truyền tải điện Kỳ Anh (Truyền tải điện Hà Tĩnh), nhìn anh em chuẩn bị dao rựa, dụng cụ, đồ nghề tôi cứ hình dung công việc của họ cũng đơn giản thôi. Trên đường ra tuyến truyền tải ở Kỳ Sơn, Kỳ Lạc để đến khu vực đèo Ngang, “giới tuyến” giữa Công ty Truyền tải điện 1 và 2. Chiếc xe u oát đời “cổ lai hy” cứ nhảy chồm chồm, một tay giữ máy ảnh, một tay giữ chặt thành xe, nếu không mỗi lần gặp ổ voi thì “mẻ trán” như chơi. Để đến được vị trí 939 – 944 (địa phận Kỳ Hoa) anh em phải đi thuyền vượt hồ Kim Sơn và hơn 5 km đường đèo leo dốc, tôi vừa đi, vừa thở hổn hển ngước nhìn anh em thoăn thoắt đi dù mồ hôi đổ nhễ nhại. Anh Lê Tùng Lâm, Đội trưởng nán lại cùng chúng tôi, vừa đi, anh vừa nói: Đơn vị chúng tôi quản lý gần một 100 km đường dây 220 – 500 kV, trong số đó hầu hết nằm trên núi, nhất là cung đoạn vượt đèo Ngang, vị trí xa nhất là 38 km, gần nhất là 5 km. Thường thì anh em phải đi làm từ sáng sớm và làm xong tầm mới về. Vất vả là vậy, nhưng nếu như ban ngày thi cũng đỡ, sợ nhất là vào ban đêm khi đi kiểm tra theo định kỳ hay đột xuất và những mùa mưa bão, sơ ý xẩy chân thì xem như “xuống núi”.
Tranh thủ lúc giải lao, anh em công nhân cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là quản lý vận hành đường dây an toàn, liên tục, không để xảy ra sự cố. Để làm tốt công việc này, cần phải tăng cường kiểm tra móng cột, phụ kiện, sứ, dây tiếp địa… và có phương án sửa chữa kịp thời theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật. Bên cạnh đó, do đặc trưng địa hình và khí hậu các tỉnh khu 4 cũ, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra bão lớn, vào mùa hè gặp gió Lào, nên đơn vị cần phải chuẩn bị chu đáo các phương án phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão, tổ chức diễn tập xử lý sự cố, vận động nhân dân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ đường dây, cụ thể, không vi phạm hành lang an toàn, không đốt nương rẫy dưới đường dây, đặc biệt, khuyến khích nhân dân khi phát hiện những bất thường thì thông báo về đội quản lý đường dây.…
Được biết, Đội TTĐ Kỳ Anh là một trong 3 đội quản lý đường dây trực thuộc Truyền tải điện Hà Tĩnh, đang quản lý hơn 420 km đường dây 220 - 500 kV và 1.043 vị trí cột. Công việc của những người lính truyền tải không hề đơn giản như tôi đã nghĩ ban đầu, có đi thực tế mới thấu hiểu được những khó khăn của họ, đã ngày đêm nỗ lực bám tuyến giữ cho đường dây được vận hành an toàn.
Chốt giữ vị trí xung yếu
Sau khi đường dây 500 kV Bắc - Nam được đóng điện đưa vào vận hành, lúc đó, Trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh là trạm bù để ổn định hệ thống. Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Trạm đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo để tìm hiểu và làm chủ thiết bị hiện đại, góp phần đảm bạo vận hành an toàn cho cả hệ thống. Trong mỗi ca trực, anh em công nhân vận hành đều đi kiểm tra cụ thể từng thiết bị của máy biến áp, dao cách ly, máy cắt, rơ le … Sau khi đã kiểm tra đều được anh em ghi vào vào nhật ký vận hành, đồng thời, báo cáo lãnh đạo Trạm để đề phòng, ngăn ngừa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Hạnh – Trạm trưởng Trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh khẳng định: Nhờ làm tốt công tác đào tạo, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của công nhân vận hành, nên trong thời gian qua, Trạm đã phát hiện kịp thời, khắc phục, xử lý thành công những khiếm khuyết, sự cố thiết bị có mức độ phức tạp cao như: rò rỉ khí nén của các máy cắt 500 kV; biến đổi trị số tụ phân áp của biến điện áp 500 kV; hư hỏng kênh truyền cáp quang của tụ bù dọc; bất hợp lý trong mạch hoà đồng bộ; hư hỏng pha C TU 754 – 7 ngăn ngừa nguy cơ sự cố lưới; phát hiện sự cố thiết bị của tụ bù dọc; xì khí nén của MC 573; tụt áp lực SF6 tại pha A...
Có lẽ, một sự kiện mà CBCNV của Trạm không bao giờ quên, đó là năm 2002, Trạm bù 500 kV Hà Tĩnh đã được mở rộng, lắp đặt máy biến áp 500 kV và 220 kV có tổng dung lượng 576.120 kVA; 4 kháng bù ngang và 4 bộ tụ bù dọc có tổng dung lượng là 764.000 kVAr. Bắt đầu từ thời điểm này, nhân dân 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã được dùng điện thông qua trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh. Tính đến nay, hàng tỷ kWh điện đã được truyền tải trên lưới và trong thời gian tới, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ triển khai mở rộng Trạm theo sơ đồ phát triển lưới điện truyền tải. Đây là sự minh chứng, khẳng định vai trò quan trọng của Trạm Hà Tĩnh trong hệ thống điện quốc gia.
Trở về Thành phố, chúng tôi đến bản doanh của Truyền tải điện Hà Tĩnh và có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo truyền tải điện. Tại đây, chúng tôi được ông Nguyễn Trọng Thược – Trưởng Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết: Là một đơn vị ở xa Công ty, nên chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo Công ty. Đây là nguồn động lực thúc đẩy tinh thần của CBCNV trong toàn đơn vị, chúng tôi luôn xác định trạm như trái tim, đường dây như mạch máu, do vậy, để vận hành an toàn liên tục cả hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn, Truyền tải đã tập trung cao độ quản lý vận hành đường dây và trạm một cách an toàn, giảm thấp nhất sự cố thoảng qua, không có sự cố chủ quan, phấn đấu giảm suất sự cố dưới mức quy định của Công ty. Tính đến nay, Truyền tải điện Hà Tĩnh đã cung cấp hơn 8 tỷ kWh điện cho 4 tỉnh tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đồng thời, làm tốt công tác truyền tải điện từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Thành tích không ngẫu nhiên mà có, để có được điều này đó là sự kết tinh từ một quá trình lao động bền bỉ, không ngừng học tập, từng bước làm chủ công nghệ và thiết bị mới, hiện đại của tập thể CBCNV Truyền tải điện Hà Tĩnh. Khi những ánh điện vẫn sáng trên đường phố, các nhà máy, công xưởng đang dùng điện để tạo ra những sản phẩm cho đất nước thì không thể không nhắc đến những người thợ truyền tải điện đang ngày đêm bảo vệ an toàn cho đường dây tải điện. Đất nước mãi mãi ghi lại những dấu ấn của bao thế hệ người con Hà Tĩnh đã và đang góp phần cho quê hương đổi thay từng ngày để cùng các địa phương trong cả nước thúc đẩy quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.