Truyền tải điện Hà Tĩnh: Tăng cường ứng trực 24/24 giờ để giữ an toàn dòng điện - “mạch máu năng lượng quốc gia”

Thứ bảy, 17/6/2023 | 12:52 GMT+7
Truyền tải điện Hà Tĩnh - cung đoạn đặc biệt quan trọng trong đảm bảo đưa khoảng 2.600- 2.800MW điện ra miền Bắc những ngày này cán bộ công nhân luôn phải căng mình ứng trực 24/24. 

Truyền tải điện Hà Tĩnh ứng dụng flycam quản lý đường dây.

“Thức để giữ cho dòng điện an toàn” là nhiệm vụ, trách nhiệm cũng là tình yêu đối với nghề nghiệp của mỗi người “lính truyền tải điện” quốc gia. 

Truyền tải điện Hà Tĩnh - đơn vị đang thực hiện quản lý vận hành gần 329 km đường dây 500kV, với 07 cung đoạn đường dây; 385 km đường dây 220kV với 09 cung đoạn đường dây và 02 Trạm biến áp 500kV với tổng dung lượng MBA 2.175MVA. 

Bắt đầu từ ngày 19/5, xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023, tải trên các đường dây 500kV khu vực Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đường dây 571 Hà Tĩnh - 571 Vũng Áng tăng lên trên 80% định mức. Nếu như trước đây, công suất truyền tải cao trên tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam chỉ từ 2.000-2.200MW, nhưng thời gian gần đây đã phải thường xuyên tải ở mức 2.500 - 2.600MW, thậm chí đã có thời điểm tải cao lên tới 2.800MW - là mức tới hạn của hệ thống.  

Ông Phạm Quang Hòa- Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 - đơn vị trực tiếp quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia khu vực Bắc miền Trung trở ra, cho biết,  "Phải nói rằng đường dây 500kV thì từ khi đóng điện vận hành đến nay, chưa bao giờ xảy ra thời điểm mà tải cao như thế này. Và đương nhiên sẽ xuất hiện một số khiếm khuyết trên đường dây cũng như trên các Trạm biến áp, chúng tôi ngay lập tức phát hiện xử lý".

Trực tiếp quản lý vận hành tuyến đường dây 500kV và 220kV khu vực Bắc Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Trường- Đội trưởng Đội Truyền tải điện Hồng Lĩnh cho biết, khi tải cao sẽ dẫn đến độ dãn của đường dây lớn, tạo thêm độ võng của đường dây. Mặc dù vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn hành lang lưới điện, song, xác suất vi phạm hành lang an toàn lưới điện tăng lên, đòi hỏi công tác ứng trực phải tăng cường để xử lý, hạn chế tối đa, ngăn chặn những sự cố có thể xảy ra cho lưới điện.

"Tất cả các phương án tình huống đều đã được lập phương án, và hàng tháng, hàng quý đều tổ chức diễn tập. Ngoài công việc thực tế thì chúng tôi cũng đã diễn tập theo các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo chủ động thực hiện theo phương án đã được lập ".

Vừa đảm bảo vận hành an toàn dòng điện của trục xương sống 500kV huyết mạch, vừa đảm bảo cấp điện an toàn cho địa bàn Hà Tĩnh và phụ cận nên các đội TTĐ được bố trí 100% quân số làm việc trên tuyến, tập trung vào các điểm xung yếu. Cắt cử người trực thường xuyên 24/24h tại các điểm có khoảng cách pha - đất thấp, vi phạm quy định giao chéo với đường giao thông có nhiều phương tiện qua lại. Các Đội TTĐ bố trí nhân lực tối thiểu 50% quân số ứng trực ngoài giờ tại các Đội để sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần thiết. Riêng thứ 7, chủ nhật tối thiểu 50% quân số phải làm trên các tuyến đường dây. 

Anh Dương Quang Hào - Công nhân quản lý vận hành, Truyền tải điện Hồng Lĩnh chia sẻ, đây là vị trí 66 của đường dây 220kV Vinh - Hà Tĩnh 1. Đường dây này thời gian qua luôn tải tới 90% định mức nên anh em được tăng cường kiểm tra, rà soát trên tuyến. 

Báo cáo của Truyền tải Điện Hà Tĩnh cũng cho thấy, kể từ khi đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch đóng điện (ngày 17/8/2022) đã xuất hiện hiện tượng mất cân đối truyền tải trên 2 đương dây 500kV Hà Tĩnh – Vũng Áng và Hà Tĩnh – Đà Nẵng. Khi tải tăng cao thì dòng trên đường dây 500kV 571 Hà Tĩnh – 571 Vũng Áng gấp gần 2 lần đường dây Hà Tĩnh – Đà Nẵng. Nguy cơ mất an toàn vận hành cho ngăn lộ 571 Hà Tĩnh – 571 Vũng Áng khi tải tăng cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng là rất lớn. Vì vậy, việc nhanh chóng đầu tư xây dựng, hoàn thiện đoạn tuyến đường dây 500kV mạch 3 đoạn từ Vũng Áng trở ra Bắc là vô cùng cần thiết. Vừa tăng năng lực truyền tải điện cho miền Bắc, vừa góp phần đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Nguyên Long