Trực vận hành tại TBA 500kV Nghi Sơn.
Ứng trực 24/24 giờ
Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến đã gây áp lực và thách thức không nhỏ cho toàn hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia.
Theo chân những người lính truyền tải, tôi có mặt tại “điểm nút” TBA 500kV - 900MVA Nghi Sơn và SPP 500kV Nghi Sơn 2 liên kết các đường dây 500kV Bắc - Nam, giải tỏa công suất cho 2 nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nhiệt điện Nghi Sơn 2 chúng tôi nhận thấy ai cũng tỏ vẻ lo lắng.
Trạm Trưởng Trạm biến áp 500kV Nghi Sơn (Truyền tải Điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1) Mai Xuân Tùng tâm sự, đây là một trong những điểm nút quan trọng của hệ thống điện miền Bắc, đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Thanh Hóa và các khu vực lân cận. Do vậy, công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phụ tải khu vực trong mọi chế độ vận hành càng trở lên quan trọng, nhất là vào cao điểm nắng nóng, có thời điểm công suất truyền tải tăng thêm 30%. Trong những ngày này, đơn vị đã huy động anh em trong đơn vị trực 100% quân số, sẵn sàng lên đường xử lý các sự cố.
Với nền nhiệt độ ngoài trên lên đến hơn 40 độ, xung quanh khu vực MBA nhiệt độ còn cao hơn nữa, do vậy để đảm bảo vận hành an toàn trong thời điểm nắng nóng cao độ lực lượng ứng trực vận hành tại TBA 500kV Nghi Sơn đã liên tục kiểm tra các thiết bị mang tải, triển khai các phương án như: Hạ nhiệt máy biến áp thông qua phun nước làm mát cưỡng bức; tăng cường kiểm tra soi phát nhiệt thiết bị tại thời điểm nắng nóng tải cao; tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời khiếm khuyết thiết bị cũng như đánh giá, loại trừ các yếu tố rủi ro có nguy cơ gây sự cố.
“Trước đó, TBA 500kV Nghi Sơn đã thực hiện và hoàn thành 100% khối lượng thí nghiệm định kỳ thiết bị; kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống làm mát các MBA đảm bảo làm việc hiệu quả, tin cậy…” - ông Mai Xuân Tùng thông tin.
Phát hiện xử lý sớm các tồn tại
Lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 700km ĐZ 220kV và 500kV với 5TBA 220kV và 500kV do Truyền tải điện Thanh Hóa quản lý và vận hành.
Địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những năm qua hơn 150 cán bộ, công nhân viên của Truyền tải điện Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, làm việc với tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định vận hành quản lý đường dây, trạm biến áp theo quy định nên có những tuyến đường dây (9 năm) và một số TBA 6 năm liền không sự cố.
Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa Lữ Thanh Hải nhận định, thời tiết năm 2023 rất khắc nghiệt và có nhiều đợt nắng nóng, nên ngay từ đầu năm đơn vị đã có kịch bản ứng phó, phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra. Với đặc thù lưới truyền tải điện trải dài trên khắp các địa bàn huyện, thị, đặc biệt khu vực rừng núi, Truyền tải điện Thanh Hóa đã bố trí toàn bộ lực lượng ứng phó, tăng cường các điểm chốt, điểm trực trên tuyến đường dây cũng như tại các TBA để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết qua đó có phương án xử lý nhanh nhất.
Lãnh đạo Truyền tải điện Thanh Hóa xuống các điểm nút để kiểm tra công tác quản lý, vận hành tại TBA 220kV Nghi Sơn.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia, bên cạnh các giải pháp kiểm tra phát hiện xử lý sớm các khiếm khuyết tồn tại trên lưới, phun rửa sứ hotline, thay các thiết bị không đảm bảo vận hành độ tin cậy cao, Truyền tải điện Thanh Hóa đã tăng cường lực lượng ứng trực đặc biệt 24/24 giờ tại các điểm nút quan trọng để kịp thời phát hiện sớm các sự cố.
Theo ông Lữ Thanh Hải, TBA 500kV Nghi Sơn đóng vai trò vô cùng quan trọng, vận hành điều tiết công suất chủ yếu trên đường dây 500kV từ Bắc vào Nam. Khi nhà máy BOT Nghi Sơn 2 đưa vào vận hành cùng với TBA 500kV thì đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và 2 được nối với Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn sẽ góp phần giải tỏa công suất của nhà máy vừa truyền tải trên đường dây.
Leo cột kiểm tra.
Để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn như: Thả diều, xây dựng các công trình, trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện, Truyền tải điện Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các tổ bảo vệ do người dân đứng ra để tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, kiểm soát nhằm sớm phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện.
Thêm giải pháp
Tại buổi kiểm tra thực tế tại TBA 220kV Hải Dương 2 và một số tuyến đường dây, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 2 Lê Xuân Diệu cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 8 TBA (7 TBA 220kV, 1 TBA 500kV) và 14 tuyến đường dây, 22 ngăn lộ hơn 322,65km đường dây 220kV. Địa bàn quản lý thuộc các tỉnh, TP Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
Trong những ngày nắng nóng vừa qua các Máy biến áp (MBA), thiết bị, Đường dây (ĐZ) thường xuyên phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. ĐZ 177, 178 Đồng Hòa đi trạm Long Bối thường xuyên quá tải, có thời điểm tải lên đến 125%.
Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 2 Lê Xuân Diệu kiểm tra thiết bị ngăn lộ 178, ngăn lộ thường xuyên vận hành đầy và quá tải tại TBA 220kV Đồng Hòa. Ảnh: Hoàng Anh
Để đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng, đơn vị đã huy động tất cả các lực lượng, phương tiện hiện có để tăng cường thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm tra thiết bị, đường dây nhằm đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải. Đơn vị đã thực hiện soi phát nhiệt với tất cả các ĐZ 220kV. Dùng thiết bị bay flycam để kiểm tra các tuyến đường dây 220kV, đặc biệt là các ĐZ 220kV nhận nguồn từ các Nhà máy nhiệt điện (Hải Phòng- Thủy Nguyên, Hải Phòng - Đình Vũ, Hải Dương - Hải Dương 2).
Dưới nhiệt độ ngoài trời lên đến 43,6 độ, các công nhân ĐZ, TBA vẫn miệt mài, căng mình kiểm tra từng phụ kiện, thiết bị với một niềm tin và mục đích cao nhất là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho phụ tải.
Soi phát nhiệt MBA AT2 - TBA 220kV Thủy Nguyên và làm mát cưỡng bức. Ảnh: Hoàng Anh
Chuyên viên Phòng Kỹ thuật Truyền tải điện Đông Bắc 2 Đỗ Hồng Thành cho biết, trong những ngày vừa qua với nhiệt độ môi trường cao, các ĐZ 220kV, MBA AT2 có hiện tượng đầy tải hơn trước. Song trạm vẫn cố gắng đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định. Phó Giám đốc Hồ Văn Tân chia sẻ, xác định rõ việc đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023 là một thách thức, vì vậy để đảm bảo công tác vận hành an toàn lưới điện truyền tải, đơn vị đã quán triệt đến từng cán bộ công nhân về công tác đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ngăn ngừa và giảm sự cố là nội dung trọng yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Dù nắng nóng, hay mưa giông, để đảm bảo cho “dòng điện” của Tổ quốc thông suốt, thật cảm phục những “người lính” áo cam ngày đêm bám trụ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.