Vị trí sạt lở gần trụ 290 ĐZ 220kV Bảo Lộc - Sông Mây sau xử lý.
Ông Phan Đình Thiện – Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng cho biết, trong thời gian từ ngày 26/7/2023 đến 01/8/2023, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đo được từ 40 đến 70mm/ngày và một số thời điểm tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao, từ 100 – 190mm/ngày khiến cho nền đất bị yếu, đặc biệt là trên sườn đồi khu vực đường dây bị no nước, gây sạt lở đất nhiều nơi.
Chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai, Đơn vị đã tăng cường kiểm tra những vị trí trụ điện nằm ở khu vực xung yếu khu vực đèo dốc, sông, suối, triền đồi có nguy cơ sạt lở đất đá, nước mưa chảy thành dòng xói thẳng vào móng cột gây mất an toàn cho móng trụ điện; các khoảng cột có cây cao trong và ngoài hành lang để kịp thời phát hiện các nguy cơ và xử lý những tác động có ảnh hưởng đến vận hành an toàn của tuyến đường dây truyền tải điện.
Kết quả phát hiện vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết và vị trí 290 đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây đã xảy ra sạt lở đất ảnh hưởng đến vận hành an toàn của tuyến đường dây.
Một phần góc mái kè tam giác vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết bị sạt lở.
Tại vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ghi nhận hành lang 2 phía gần trụ 16 bị sạt lở đất, chiều dài phần đất bị sạt lở khoảng 60m, chiều cao khoảng 8m phía taluy dương và 1 phần góc mái kè tam giác (kích thước 1,8m*2,5m cao 1,5m). Đơn vị đã kịp thời huy động nhân lực thực hiện đóng cọc sắt V7 dài 3m đóng dọc theo đoạn sạt lở; Dùng cây chắn ngang phía trước cọc, sau đó dùng bao chứa đất tấn phía trên, không để đất tiếp tục sạt lở gây trượt thêm mái kè; Đào thêm tầng mương thoát nước nắn dòng chảy từ 2 hướng ra xa khu vực chân kè móng; Thực hiện chằng néo giữ ổn định móng trụ; Dùng phương tiện cơ giới lấp, đắp đất vị trí móng kè bị sạt lở; Phủ bạt toàn bộ phần đất bị sạt lở ngăn ngừa nước mưa thẩm thấu vào lớp đất gây sạt lở tiếp theo.
Sạt lở Vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết.
Tại vị trí 290 đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây thuộc phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hiện trạng vị trí sạt lở đất với chiều dài khoảng 40m, chiều ngang phần đất sạt khoảng 25m, chiều cao phần đất sạt là 3m theo hướng dọc tuyến về phía vị trí 291, cách trụ móng cột vị trí 290 khoảng 6,5m. Để kịp thời xử lý chống sạt lở tiếp diễn vào móng cột, Đơn vị đã thuê phương tiện cơ giới thực hiện san gạt đất; Dùng xà cừ đóng 2 lớp cọc cách nhau khoảng 15m, lớp đầu tiên cách tim móng cột khoảng 14m; Chằng néo giữ ổn định các móng trụ, sau đó dùng bao đất đắp vào trước các lớp cọc; Phủ bạt toàn bộ phần đất bị sạt lở ngăn ngừa nước mưa thẩm thấu vào lớp đất đã bị sạt lở, chống sạt lở tiếp diễn vào móng cột.
Vị trí sạt lở gần trụ 290 ĐZ 220kV Bảo Lộc- Sông Mây.
Giám đốc Truyền tải điện Lâm Đồng cho biết thêm, cùng với việc thực hiện công tác xử lý tạm chống sạt lở tiếp diễn vào các vị trí được phát hiện, Đơn vị tiếp tục tăng cường tần suất kiểm tra trong vận hành và theo dõi qua camera đã lắp trên cột. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống gần tuyến đường dây, trạm biến áp thực hiện chằng néo các công trình (mái tôn, nhà lưới, nhà lồng trồng hoa màu...), chặt tỉa cây cao trong và gần hành lang tránh gió lốc bay vật lạ vướng vào công trình điện.
Xử lý tạm chống sạt lở vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết.
Ngay từ khi có thông tin bất lợi về thời tiết trong khu vực, Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc Công ty Truyền tải điện 3, cùng chính quyền địa phương, đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo UBND phường Lộc Sơn, vận động nhân dân tạo mọi điều kiện và phối hợp cùng đơn vị xử lý khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xử lý tạm chống sạt lở vị trí 16 đường dây 220kV Bảo Lộc - Hàm Thuận - Phan Thiết.
Công tác xử lý chống sạt lở thực hiện giải pháp tạm thời được Truyền tải điện Lâm Đồng thực hiện nhanh chóng, khẩn trương, thuận lợi đáp ứng nguyên tắc chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, đảm bảo an toàn cho con người và công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định.