Truyền tải điện Lâm Đồng hướng đến trẻ em vùng sâu, vùng xa trong ngày khai giảng năm học mới

Thứ năm, 5/9/2024 | 20:43 GMT+7
Sáng ngày 5/9/2024, cùng với hơn 23 triệu học sinh trên toàn quốc, những người công nhân Truyền tải điện Lâm Đồng, thuộc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), cũng đã lên đường với các hoạt động tiếp sức đến trường nhân ngày khai giảng năm học 2024 - 2025 cùng hơn 336.000 học sinh tỉnh Lâm Đồng. 

Ông Nguyễn Văn Anh, Đội Trưởng Đội Truyền tải điện Lâm Hà cho biết: Đơn vị đã cùng chính quyền địa phương và Trường tiểu học Đa Nung cấp phát hơn 500 tờ rơi có nội dung và hình ảnh minh họa hướng dẫn an toàn điện theo quy định pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, đồng thời trao tặng 1.000 cuốn vở nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em ngày càng tốt hơn, mong các em có thêm nghị lực học tập tốt để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Trường tiểu học Đa Nung đóng tại xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Theo thầy Hoàng Văn Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Nung, năm học 2024 - 2025, Trường có 750 học sinh, trong đó học sinh đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 75%, học sinh thuộc diện hộ nghèo 220 em, cận nghèo 142 em và 124 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Mặc dù là trường vùng sâu nhưng việc duy trì sĩ số lớp ổn định, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đã có học sinh đạt thành tích cấp huyện, tỉnh ở các môn học văn hóa, thể dục thể thao và tài năng tiếng Anh. Thay mặt nhà trường, Hiệu trưởng Hoàng Văn Hợi bày tỏ sự tri ân đơn vị đã kịp thời động viên, khích lệ, tạo thêm điều kiện giúp các em học sinh.

Ông Lê Trung Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Truyền tải điện Lâm Đồng cho biết: Truyền tải điện Lâm Đồng đảm nhiệm công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện đi qua địa bàn 48 xã phường thuộc 11 huyện, thành phố thuộc vùng miền núi Nam Tây Nguyên với hơn 40 dân tộc cư trú, bao gồm các dân tộc bản địa như CơHo, Mạ, Churu, M’Nông, Raglai, STiêng…và các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc như Hoa, Tày, Nùng, Thái, Mường… 

Các dân tộc thiểu số cư trú rải rác khắp các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hóa thấp, đời sống khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Do tập quán sản xuất nông nghiệp tại địa phương, người dân thường thực hiện đốt nương rẫy, hoa màu, cây cỏ vào cuối vụ thu hoạch, gây tình trạng cháy lan vào hành lang đường dây truyền tải điện 220kV, 500kV; đặc biệt mùa khô khắc nghiệt kéo dài 06 tháng cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, vào mùa hè, trẻ em thường tập trung vui chơi, thả diều, leo trèo lên trụ điện bắt tổ chim…cũng tìm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện truyền tải do dây diều bay vướng vào dây dẫn. 

Hướng về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào mỗi dịp khai giảng năm học mới đã trở thành cầu nối giữa chính quyền địa phương, người dân với đơn vị truyền tải điện trong công tác tuyên truyền, phối hợp bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Truyền tải điện Lâm Đồng luôn xem trọng các chương trình, hoạt động xã hội từ thiện gắn kết giữa chính quyền địa phương với đơn vị trong công tác phối hợp đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện, qua đó xây dựng mối quan hệ, tạo sự đồng thuận của nhân dân các địa phương, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của ngành Điện và đơn vị trong cộng đồng xã hội.
 

Lê Tấn Lợi