Chuyển động năng lượng

Từ “Chứng nhận xanh” đến “nhãn cacbon”, “tín chỉ cacbon”: Cần sự chủ động của cả doanh nghiệp & nhà quản lý

Thứ sáu, 15/9/2023 | 16:54 GMT+7
Theo kế hoạch, từ tháng 10 tới đây, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm “Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon” (CBAM) đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu vào nước này.

Ảnh minh họa.

Kể từ năm 2026, EU sẽ đánh “thuế cácbon” đối với tất cả hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại - theo quy định về thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM). 
 
Theo “Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon” (CBAM), 06 loại hàng hoá thải ra nhiều cacbon nhất được EU xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải kể từ ngày 01/10/2023 (đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU). Bắt đầu từ năm 2026, nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn đặt ra, nhà sản xuất sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá cacbon hiện nay tại EU nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này. Đến năm 2027, Uỷ ban châu Âu sẽ thực hiện rà soát toàn diện về Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM) và đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ. 

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) và có mức độ cam kết rất cao ở nhiều lĩnh vực, từ tiêu chuẩn hàng hoá đến sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Thời điểm tháng 10/2023, khi EU yêu cầu tuân thủ Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM) đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu thì Việt Nam cũng bước vào năm thứ 4 thực thi hiệp định EVFTA với thị trường này. 

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết: "Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU đã đặt ra một số tiêu chuẩn tối thiểu về lao động và môi trường để chúng ta đáp ứng được quy định này. Thế nhưng chúng ta thấy quy định của EU đang tiến lên mức cao hơn, nếu chúng ta không có những điều chỉnh phù hợp thì cũng khó tiếp cận thị trường này. Nhiều nước đang phát triển thì nói đây là những rào cản kỹ thuật, thế nhưng mặt khác thì chúng ta cũng phải nhận thấy đây là xu hướng mà người tiêu dùng của EU người ta đòi hỏi, thì dù là rào cản kỹ thuật hay không phải là kỹ thuật thì đó cũng là những yêu cầu mà ta phải vượt qua mới có thể thâm nhập thị trường này. Chính vì vậy thì không những các cơ quan quản lý nhà nước mà kể cả cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cũng phải tính toán được đến những xu hướng dài hạn này để có những điều chỉnh, để từ đó có thể đi được vào thị trường EU".

Mặc dù EVFTA là hiệp định được đánh giá tỷ lệ doanh nghiệp và người dân biết đến nhiều nhất trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết từ trước đến nay. Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã biết, hoặc có biết cũng khó có thể đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn, điều kiện về môi trường của EU - trong khi việc áp dụng “chứng chỉ phát thải” hay “tín chỉ cacbon” khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này đã rất gần. 

Ông Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Mắm Lê Gia, doanh nghiệp đã xuất khẩu một số sản phẩm mắm truyền thống vào thị trường EU chia sẻ: "Chúng tôi thì hiểu một cách rất mơ hồ rằng là nếu như một nhãn hàng, một nhà sản xuất không có chứng minh được chứng chỉ xanh thì sẽ phải bỏ tiền ra mua, và đấy cũng là một lợi thế cho những sản phẩm gì hoặc ngành hàng nào mà có chứng chỉ xanh. Chúng tôi cũng mới nghe được thông tin đánh thuế carbon và chúng tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện tất yếu diễn ra, khi chúng ta đã cam kết hội nghị thượng đỉnh Cop26 về phát thải bằng 0 thì bắt buộc các doanh nghiệp phải chuẩn bị và phải tuân theo luật chơi chung. Với chúng tôi là những sản phẩm mà mang tính truyền thống tự nhiên thì chúng tôi nghĩ rằng là cái việc chuyển đổi xanh là xu thế mà trước sau gì mình cũng phải làm. Tùy theo nguồn lực với chúng tôi thì cũng vẫn quy trình như hiện tại, chúng tôi sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; chất thải rắn, chất thải lỏng đều xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn 11 của Quy chuẩn Việt Nam".

Mong muốn được tiếp cận nhiều thông tin hơn nữa về các tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu cũng như các yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh không phải chỉ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Lê Gia mà còn của đại bộ phận doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023 tổ chức gần đây, ông Trần Mạnh Đạt - Trưởng phòng kỹ thuật năng lượng, Sở Công Thương Đồng Nai đã nêu thực tế việc không ít doanh nghiệp trên địa bàn gặp vướng mắc về chứng nhận công trình xanh/sản xuất xanh nên khó khăn đơn hàng xuất khẩu và kiến nghị: "Qua Hội nghị này Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ xem xét có thể thiết kế một cơ quan nào đó tại Việt Nam có chức năng chứng nhận các chứng chỉ công trình xanh để làm cơ sở cho các doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh chóng, đưa các chứng chỉ này vào trong năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may".

Từ thực tế triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian qua, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) khẳng định, đang thiếu các tiêu chuẩn để chứng nhận các công trình xanh, tiêu chuẩn xanh cho các doanh nghiệp: "Liên quan đến chứng nhận xanh cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu thì hiện nay chúng ta thực ra chưa có một chuẩn nào cho một doanh nghiệp xanh chính thức được ban hành ở cấp quốc gia. Tại vì đặc điểm của doanh nghiệp xanh thì nó liên quan đến chuỗi, liên quan đến sản xuất sạch - bao gồm nguyên vật liệu đầu vào đến quá trình sản xuất sạch, không tác hại môi trường".

Mặc dù khẳng định đã có đánh giá chứng nhận từng hạng mục của các công trình xanh theo chức năng, nhiệm vụ của mình, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, cần có sự chủ động từ phía doanh nghiệp trong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng nguyên liệu và phát thải môi trường: "Các nhà máy sản xuất của chúng ta cần khẩn trương xây dựng IPD tức là “tuyên bố môi trường cho sản phẩm”, tức là khi sản xuất ra bất cứ một sản phẩm nào thì trên bao bì nhãn mác mình có công bố cho họ biết là sản phẩm của mình tiêu thụ bao nhiêu điện năng, phát thải bao nhiêu cácbon trên một đơn vị sản phẩm… để từ đó có ngưỡng so sánh, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, ví dụ như của châu Âu thì có thể vào được. Đây là cái mà các doanh nghiệp cần phải khẩn trương thực hiện".

Cũng theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, cùng với việc hoàn thiện các cơ chế chính sách từ phía cơ quan quản lý thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp, vừa là cơ sở để chứng nhận sản phẩm xanh, tiến tới chứng nhận nhãn cacbon, tín chỉ cacbon sau này: "Một trong những động lực mà các doanh nghiệp đang hướng tới là việc dán nhãn cácbon, dán nhãn phát thải khí nhà kính cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là những sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu sang thị trường phát triển như Hoa Kỳ,EU… thì việc dán nhãn cacbon cho các sản phẩm hàng hóa này thì nó đang được quy định một cách bắt buộc tại thị trường châu Âu mà sắp tới sẽ là cơ chế điều chỉnh có bom xuyên biên giới tới sẽ được áp dụng trong năm trong 2023 này. Và với một lộ trình đến năm 2026 thì sẽ bắt đầu tính phí cacbon cho một số loại hàng hóa sản phẩm xuất khẩu sang thì trường EU, thì đây cũng là một áp lực, đồng thời cũng là động lực để cho các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải quan tâm nhiều hơn đến sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đến tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và tiến tới giảm phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp".

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc thúc đẩy sản xuất và mua sắm xanh, đặc biệt thông qua Chương trình dán nhãn năng lượng. Đây là công cụ hiệu quả nhằm định hướng người tiêu dùng hướng đến việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Chương trình dán nhãn năng lượng cũng tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm có hiệu suất cao, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trước các yêu cầu của thị trường quốc tế, của “Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon” (CBAM) đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU, đòi hỏi việc hoàn thiện nhanh các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn cụ thể, là “giấy thông hành” chứng nhận cho các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn vào thị trường quốc tế..
 

Nguyên Long