Sử dụng dàn quạt đồng trục kết hợp sử dụng gối đỡ con lăn tiết kiệm được 38,7% điện năng. Nguồn: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Đó là Mô hình thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay và Mô hình Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U. Trong đó, ở mô hình thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay thì theo tính toán, điện năng tiết kiệm được 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp.
Với chi phí (vật tư, nhân công lắp đặt) là 658,42 triệu đồng, nhưng lợi ích về tiết kiệm chi phí tiền điện bình quân trong năm của 161 hộ là hơn 951 triệu đồng.
Còn đối với mô hình Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U, thì tính toán cho thấy điện năng tiết kiệm được 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm của 161 hộ gần 2,5 tỷ đồng.
Kết quả trên theo EVN SPC đã được các Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng có văn bản đánh giá và xác nhận mức tiết kiệm.
Qua tìm hiểu tại hộ anh Nguyễn Văn Khởi sinh năm 1980 ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho thấy, anh bắt đầu nuôi tôm từ cuối năm 2013 với số vốn tự có 50 triệu đồng, có hỗ trợ từ người bán thức ăn cho tôm. Nhà có 1 ha, lúc đầu anh thuê thêm 1 ha nữa, với 5 ao tôm, mỗi ao từ 2.500-5.000 m2.
“Nếu một vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đủ 3 tháng thì tiền điện nhà anh phải trả từ 13-14 triệu đồng/tháng. Một ao khoảng 3.500 m2 nuôi đủ 100 ngày thì tôi thu được từ 4-5 tấn tôm thẻ, giá trị từ 700-800 triệu đồng; trong đó chi phí thức ăn chiếm từ 30-40%. Như vậy vốn đầu tư một ao nuôi khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì gia đình có lãi khoảng 230 triệu đồng”, anh Khởi cho biết.
Anh Khởi cũng cho hay, từ năm 2017, được Công ty Điện lực Sóc Trăng giới thiệu áp dụng mô hình dùng con lăn bằng mô tơ thì chi phí tiền điện hàng tháng của nhà anh giảm đáng kể từ 10-15%. Và anh hy vọng chi phí tiền điện sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và những năm tới nếu áp dụng mô hình này.
Còn đối với gia đình anh Huỳnh Khánh Lương, sinh năm 1968 ở ấp Nhà Thờ, xã Chương Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng nuôi tôm quy mô công nghiệp từ năm 2005 đến nay với tổng diện tích 12 ha; trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng là chính.
Anh Lương cho biết, được Điện lực Trần Đề cấp miễn phí vài chục con lăn, gia đình đã chuyển sang dùng mô tơ con lăn từ năm 2016. Vụ nuôi tôm năm 2017, gia đình thu hoạch khoảng 180 tấn nên chi phí tiền tiện sau mỗi vụ nuôi khi áp dụng mô hình này cũng giảm khoảng 20%, mỗi tháng chỉ phải trả tiền điện bình quân khoảng 100 triệu đồng.
Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, Chương trình hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng được triển khai từ cuối năm 2016. Giai đoạn 1, Công ty đã thuê một vuông tôm để lắp các mô hình thực nghiệm cho từng giải pháp tiết kiệm điện đặt tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu.
Qua quá trình triển khai mô hình thực nghiệm, Công ty tính toán giải pháp sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U (của mô hình truyền thống) để đỡ trục quay cho dàn quạt thì tiết kiệm được 15,2% điện năng.
Còn với giải pháp sử dụng dàn quạt đồng trục kết hợp sử dụng gối đỡ con lăn, qua so sánh với kết quả chạy thử nghiệm với dàn quạt không đồng trục sử dụng gối đỡ chữ U (theo kiểu cũ) thì tiết kiệm được đến 38,7% chi phí điện năng.
Năm nay đối tượng được áp dụng của Chương trình là các hộ nuôi tôm đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp ở khu vực Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Thời gian triển khai từ tháng 11/2017 đến hết 30/6/2018. Sau khi phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hiệp hội Tôm tại địa phương phổ biến tuyên truyền tới các hộ nuôi tôm bằng nhiều hình thức, các Điện lực sẽ phối hợp với các đoàn thể tại địa phương điều tra lập danh sách nhu cầu của các hộ nuôi tôm theo địa bàn từng xã, khóm/ấp.
Trên cơ sở danh sách nhu cầu của địa phương, Công ty phối hợp với nhà cung cấp thiết bị là Công ty Cơ khí Việt Hung để lên kế hoạch lắp đặt cho các hộ nuôi. Sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong năm 2017 là 1,22 tỷ kWh; trong đó sản lượng điện trong nuôi tôm chiếm hơn 20% thì với mức tăng trưởng phụ tải năm nay khoảng 9,7%, sẽ giảm mức tiêu thụ điện đáng kể trong nuôi tôm.
“Ngoài việc quảng bá giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp, qua đó giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đầu tư, Chương trình còn nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm của ngành điện với khách hàng”, ông Hải nói.