Tin thế giới

Tự do hóa thị trường điện Nga

Thứ năm, 8/1/2009 | 10:36 GMT+7
Năm 2008, ngành điện Nga sẽ hoàn tất công cuộc cải cách với việc cải biến sâu sắc lĩnh vực điện trong nền kinh tế đất nước. Mục tiêu chính của cuộc cải cách này là thu hút đầu tư tư nhân, hiện đại hoá ngành điện và giải quyết nạn thiếu điện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để đạt được mục đích này, các công ty liên kết theo chiều dọc thuộc tập đoàn độc quyền nhà nước Hệ thống điện hợp nhất (UES) của Nga sẽ bị phân nhỏ. Ngành phân phối điện và nhiệt điện đang chuyển dần sang sở hữu tư nhân, trong khi các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện, các lưới truyền tải và hệ thống phân phối điện quan trọng sẽ tiếp tục thuộc quyền kiểm soát của nhà nước và các cơ quan chức năng địa phương. Các nhà đầu tư nước ngoài như Enel, E.ON và Fortum đang tham gia mua các công trình ngành điện bên cạnh các công ty lớn của Nga. Các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu ở các nước phương Tây cũng sẽ góp phần vào các dự án đầu tư.

Một trong các điều kiện tiên quyết để hệ thống mới này hoạt động hiệu quả là phải có một thị trường điện cạnh tranh. Những bước đầu tiên nhằm thiết lập thị trường này được tiến hành ngay từ giữa những năm 1990, vào thời điểm các cuộc cải tổ kinh tế được thực hiện ở Nga sau khi Liên Xô tan rã.

Nhà máy điện Luch (Nga)  

Năm 1996, Thị trường bán buôn điện năng và nguồn công suất toàn Liên bang (FOREM) đã ra đời. Mặc dù được gọi là thị trường nhưng FOREM không phải là thị trường tự do bởi vì biểu giá là do Uỷ ban năng lượng Liên bang Nga (sau này đổi tên thành Cục biểu giá Liên bang) qui định.

Tình hình đã thay đổi về căn bản vào cuối năm 2003 khi chính phủ Nga ban hành các quy định của thị trường (công suất) điện bán buôn trong thời kỳ quá độ. Kết quả là một mô hình thị trường đã xuất hiện và hoạt động cho đến tháng 9/2006. Mô hình gồm ba khu vực: khu vực mua bán tự do, khu vực có điều tiết theo đó việc mua bán thực hiện theo biểu giá do nhà nước quy định và khu vực chênh lệch theo đó phải thanh toán các chênh lệch về sản xuất điện (tiêu thụ điện) so với sản lượng điện theo kế hoạch cho từng giờ. Trong phạm vi kết cấu này, người ta đã thử nghiệm tác động qua lại giữa người bán và người mua điện cũng như phần mềm kinh doanh.

Cũng trong thời gian này, Cơ quan phi lợi nhuận phối hợp quản lý hệ thống mua       bán (Non-profit Partnership Administrator of Trading System - NP ATS), được thành lập năm 2001, đã trở thành cơ quan điều hành kinh doanh của thị trường bán buôn. NP ATS cũng được quyền cấp tư cách pháp nhân tham gia thị trường bán buôn và xác định các điều khoản về hoạt động thị trường thông qua hợp đồng gia nhập hệ thống mua bán mà NP ATS là cơ quan phê duyệt. Trong thành phần Ban giám sát của NP ATS, 25 % thuộc về các đại diện các hộ tiêu thụ điện, 25 % thuộc về đại diện các nhà cung cấp điện và các cơ sở phát điện và 50 % thuộc về các quan chức nhà nước. Trên thực tế NP ATS đã trở thành sở giao dịch điện tử với nhiều chức năng điều tiết. Về khối lượng mua bán và doanh thu tài chính, NP ATS được xếp ngang hàng với các sở giao dịch điện lực lớn ở Mỹ và Châu Âu như PJM, Nord Pool (thị trường điện Bắc Âu) và Powernext.

 

Lưới điện Nga
Mô hình thị trường chuyển tiếp hoạt động từ năm 2003 đến năm 2006 ở mức độ nào đó còn bị hạn chế. Cụ thể, tất cả việc mua và bán ở khu vực mua bán tự do đều là tự nguyện đối với người tham gia thị trường. Nếu cần thiết, người mua có thể quay trở lại khu vực điều tiết để mua lượng điện năng cần thiết theo biểu giá. Vì vậy giá cả ở khu vực mua bán tự do có mức trần tự nhiên mà nếu vượt quá thì việc tham gia sẽ trở nên không hiệu quả.

Norem: Mô hình thị trường mới

Để vượt qua rào cản này và xác lập các điều kiện để từng bước dịch chuyển sang chế độ định giá thực sự cạnh tranh, ngày 1/9/2006, một mô hình thị trường điện/công suất bán buôn mới mang tên NOREM, đã được phát động. Để chuẩn bị cho sự ra đời của NOREM, các chuyên gia Nga đã dựa vào kinh nghiệm của nhiều nước châu Âu và châu Mỹ và qua các mô hình hoạt động ở Inđônêxia và Australia. Họ cố gắng tuân thủ những qui trình thực hiện tốt nhất đồng thời tránh lặp lại các sai lầm. Đó là lý do tại sao các cơ chế chính của thị trường bán buôn hiện nay ở Nga tương ứng với xu hướng chung trên thế giới về xây dựng các mô hình tự do hoá trong mua bán điện năng và công suất, có tính đến một số điều kiện cụ thể nhất định ở Nga.

Một vấn đề quan trọng cần cân nhắc đối với Nga là hệ thống điện hợp nhất đã được thiết lập vào thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đặc trưng của hệ thống này là các đường dây truyền tải dài, mạng điện phân phối thưa thớt và các nhà máy điện tập trung xung quanh các thành phố lớn. Về khía cạnh này thì hệ thống điện hợp nhất của Nga khác với, hệ thống điện nước Anh, ở đó phần lớn nguồn điện nằm ở phía bắc trong khi đó hầu hết các hộ tiêu thụ lại ở phía Nam. Ngoài ra, Nga có trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia trong khi đó ví dụ như ở Mỹ chỉ có các cơ quan vận hành hệ thống điện độc lập. Những đặc điểm của hệ thống điện Nga ảnh hưởng đến việc định giá và được thể hiện là giá điện ở Nga phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện khí hậu.

Mô hình thị trường mới bao gồm ba thành phần chính.

Trước tiên, các hợp đồng điều tiết giữa người bán và người mua sẽ phản ánh khối lượng tiêu thụ và sản xuất điện trong 1 đến 3 năm tiếp theo, trong khi đó giá giao nhận sẽ bằng với biểu giá nhà nước quy định. Tỉ lệ điện bán theo hợp đồng điều tiết sẽ giảm dần vào năm 2011, khi đó thị trường sẽ trở nên hoàn toàn tự do. Theo quyết định của chính phủ Nga, tỉ lệ mua điện theo giá điều tiết trong năm 2007 đã giảm được 10%. Trên thực tế, 91,3 % điện hiện được mua bán theo các hợp đồng điều tiết.

Thứ hai, hiện nay thị trường điện mua trước một ngày (day-ahead market) xác định giá điện cạnh tranh. Những người tham gia thị trường bán hoặc mua lượng điện bổ sung phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa mức tiêu thụ từng giờ theo kế hoạch cho ngày hôm sau và lượng được ghi trong hợp đồng điều tiết.

Để ngăn ngừa rủi ro, các cơ sở phát điện và người tiêu thụ có thể ký kết, trong phạm vi lượng mua theo thị trường điện mua trước một ngày, các hợp đồng song phương tự do để đặt giá và lượng điện bán ra cho riêng họ. Trong năm 2006-2007, đã có 83 đối tác tham gia thị trường hoạt động theo các hợp đồng song phương tự do. Con số này là nhỏ, nhưng với quá trình tự do hoá, số lượng đối tác sẽ tăng lên. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng trong một thị trường hoàn toàn cạnh tranh, tỉ lệ các hợp đồng song phương vượt quá 80%. Điều này cũng sẽ đúng cho nước Nga.

Thứ ba, thị trường cân bằng là thiết yếu do tính chất của điện như một loại hàng hoá đặc biệt. Lượng điện bán/mua trên thị trường này được định nghĩa là sai lệch về mức tiêu thụ/sản xuất điện năng mỗi giờ giữa con số trong kế hoạch và con số thực tế, tính theo giá mua trước một ngày.

 

Nhà máy điện Zeya (Nga)  

Thị trường điện mua trước một ngày chỉ hoạt động ở các khu vực giá Châu Âu và Xibia, bao trùm phần lớn hệ thống điện Nga. Sự phân chia này là cần thiết vì nhiều nguyên nhân, trong đó có các ràng buộc về lưới điện và những người vận hành hệ thống sử dụng các kỹ thuật lập kế hoạch khác nhau.

Ngoài hai khu vực giá đó, còn có các khu vực được gọi là phi giá cả (áp dụng cho vùng Viễn Đông, nước Cộng hoà Komi và các vùng Archangel và Kaliningrad). Hệ thống điện của các khu vực này chỉ được kết nối ở mức giới hạn với hệ thống điện hợp nhất của Nga. Các pháp nhân không thuộc các khu vực giá chỉ được mua và bán điện theo giá điều tiết.

Một nguyên tắc định giá đặc biệt đã được quy định cho thị trường bán lẻ để đồng bộ quá trình tự do hoá với sự phát triển của thị trường bán buôn. Kết quả là, khoảng 90% điện năng ở thị trường bán lẻ hiện được giao nhận theo giá điều tiết, trong khi đó 10% lượng điện này phụ thuộc vào giá thị trường bán buôn cạnh tranh. Giá trị, mà trong trường hợp thị trường bán buôn cạnh tranh chính là mốc chuẩn để thanh toán giữa các nhà cung cấp và người tiêu thụ, được tính toán theo công thức cố định của NP ATS. Phương pháp này không mở rộng áp dụng cho các hộ tiêu thụ sinh hoạt, họ được đảm bảo cung cấp điện theo giá điều tiết trong suốt thời kỳ quá độ (đến năm 2011).

Tháng 9/2007, tổng cộng có 187 đơn vị tham gia, bao gồm các hộ tiêu thụ và cơ sở sản xuất điện lớn ở Nga, hoạt động trong thị trường này. Để so sánh, thị trường điện đứng đầu Châu Âu là Nord Pool, bao trùm các nước Bắc Âu, có 420 đơn vị tham gia. PJM ở Mỹ có hơn 450 đơn vị tham gia; và EEX của Đức, không hạn chế các hộ tiêu thụ nước ngoài, có 176 đơn vị tham gia.

Kết quả đầy hứa hẹn

Doanh thu tài chính của NOREM từ 1/9/2006 đến 31/8/2007 là trên 23 tỷ USD. Tổng khối lượng điện năng mua tại các khu vực giá, cũng trong thời kỳ đó, đã đạt mức 1.000 TWh. Với kết quả hoạt động như vậy, thị trường điện Nga chiếm một trong các vị trí đứng đầu thế giới.

Thực tiễn cho thấy động lực về giá trên thị trường điện mua trước một ngày phản ánh thích đáng động lực trong cung cầu điện năng cũng như các quá trình trong nền kinh tế và hệ thống điện quốc gia, kể cả các nhân tố thay đổi theo mùa, các thời kỳ bảo dưỡng theo kế hoạch và giá nhiên liệu thay đổi. Sự chênh lệch giá theo vùng và trong ngày là rõ ràng; vào các giờ thấp điểm phụ tải, giá điện thấp hơn hai, thậm chí ba lần so với giá vào các giờ phụ tải cực đại. Phản ứng của giá trên thị trường do NP ATS tổ chức cũng tương tự với các biến động giá có liên quan trên các thị trường điện khác ở Châu Âu (Hình 1). Mô hình thị trường này chỉ mới vận hành qua 1 năm nhưng đã chứng minh được rằng nó có thể cung cấp cho các nhà đầu tư những tín hiệu liên quan đến hiệu quả kinh tế của việc đầu tư vào công suất nguồn.

Vì thị trường này còn non trẻ nên NP ATS liên tục theo dõi giá và việc tuân thủ các quy định của NP ATS. Một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ví dụ, với các công trình phát điện đã được tư nhân hoá, các rủi ro về sự tập trung quá mức quyền lực thị trường đang nổi lên trong ngành điện. Vì vậy, NP ATS giám sát chặt chẽ hoạt động của các “đại gia”, ví dụ như Gazprom. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đủ các công cụ có thể đối phó một cách thích đáng với các đơn vị có khả năng thao túng thị trường.

Mô hình thị trường hiện nay đối với việc thanh toán chênh lệch và những vấn đề cơ bản khác trong vận hành thị trường – cũng như các cơ chế định giá và phương tiện xác định khối lượng trên thị trường mua trước một ngày và thị trường cân bằng - sẽ không thay đổi trong tương lai. NOREM sẽ được nâng cao chủ yếu bằng việc thành lập các thị trường mới có khả năng tạo ra những cơ hội mới cho người tham gia thị trường và giúp họ ngăn chặn được càng nhiều rủi ro càng tốt.

Viễn cảnh trước mắt là việc mở ra một phân đoạn thị trường quan trọng: Một thị trường công suất cạnh tranh ở đó công suất sẽ được mua bán như một hàng hoá riêng biệt. Thị trường này cần thiết đối với nước Nga để cung cấp cho các nhà đầu tư một tín hiệu kinh tế liên quan tới nhu cầu xây dựng mới công suất nguồn ở các vùng khác nhau trong nước. Thị trường sẽ bắt đầu vận hành khi chính phủ thông qua một quyết định có liên quan. Các thị trường về dịch vụ phụ, về công cụ tài chính phái sinh và về quyền chuyển giao tài chính sẽ được tổ chức vào năm 2008 và 2009.

Tháng 10/2007, Luật ngành điện (sửa đổi) đưa vào áp dụng một số thay đổi về cơ sở hạ tầng thị trường điện bán buôn, đã được Viện Duma (Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga) thông qua. Cơ quan phối hợp phi lợi nhuận của Hội đồng thị trường sẽ được thành lập để đảm nhận một số chức năng điều tiết. Ban giám sát của Hội đồng thị trường cũng sẽ bao gồm các quan chức nhà nước, các hộ tiêu thụ, các cơ sở phát điện và các tổ chức cơ sở hạ tầng. Đồng thời, cơ quan điều hành thương mại sẽ được thành lập để tổ chức việc mua bán thực tế trên thị trường điện năng và công suất bán buôn. NP ATS sẽ vẫn giám sát các chức năng đó và, trong tương lai, sẽ chuyển thành công ty cổ phần công cộng.

Theo Thông tin QLNĐ số 11