Lưới điện trung, cao thế qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Trước đó vào ngày 31-03-2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 tăng hơn 9,27% so với giá bán lẻ điện. Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031 tỉ đồng; năm 2022 là 493.265 tỉ đồng (bao gồm tất cả các khâu).
Công nhân Công ty Điện lực Quảng Trị tăng cường kiểm tra thiết bị, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện phân phối trong mùa nắng nóng 2023. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng /kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Trong khi đó, giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021. Như vậy, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng. Nhờ vậy đã giúp giảm lỗ cho EVN còn 26.235,78 tỉ đồng.
Trạm biến áp không người trực 110kV Cam Lộ (Quảng Trị) được Tổng Công ty Điện lực miền Trung đưa vào vận hành tháng 4/2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo kết quả kiểm tra, vẫn còn các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện từ các năm 2019 - 2022 lên tới 14.725,8 tỉ đồng.
Tại kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện cho thấy, năm 2022, lỗ chủ yếu là do chi phí sản xuất điện đầu vào tăng cao. Đặc biệt là giá than tăng gấp hơn 3 lần, có thời điểm tăng gấp 4-5 lần. Giá khí đốt và giá dầu tăng gấp đôi là nguyên nhân khiến chi phí mua điện tăng cao.