Tin thế giới

Úc: Nỗi lo an toàn trong cơn bùng nổ lắp điện mặt trời

Thứ tư, 29/5/2019 | 09:40 GMT+7
Lắp điện mặt trời áp mái đang bùng nổ ở Úc, giúp nhiều người dân tự chủ về nguồn điện nhưng đi kèm theo đó là nỗi lo các tấm năng lượng mặt kém chất lượng, với tuổi thọ ngắn ngủi hơn rất nhiều so với các lời quảng cáo và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến các sự cố hỏa hoạn.

Điện mặt trời áp mái là một trong những câu chuyện thành công về năng lượng sạch ở Úc. Hiện nay, trung bình, cứ năm hộ gia đình ở Úc, có một hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). Song khi cơn sốt lắp đặt điện mặt trời lên cao, các chuyên gia lo ngại Úc đang trở thành nơi tiêu thụ những tấm năng lượng mặt trời kém chất lượng của các nhà sản xuất nước ngoài.
 
Cuối năm ngoái, kết quả của một đợt thanh tra của Cơ quan Quản lý năng lượng sạch Úc (CER) cho thấy 20% hệ thống ĐMTAM ở Úc kém chất lượng và 2,7% hệ thống ĐMTAM ở nước này không an toàn. Điều này có nghĩa là tại Úc, đang có hàng trăm ngàn hệ thống ĐMTAM kém chất lượng và không an toàn.
 
Ông Rex Leighton, một người dân ở TP. Wollongong, bang New South Wales, Úc, đã chi 8.000 đô la Úc để lắp đặt một hệ thống ĐMTAM gồm 20 tấm năng lượng mặt trời vào năm 2015 với tuổi thọ được quảng cáo có thể kéo dài 25 năm và nhà sản xuất cam kết bảo hành 10 năm.
 
Tuy nhiên, chỉ sau bốn năm rưỡi sử dụng, ông buộc phải thay hệ thống này. Ông cho biết, do lỗi của nhà sản xuất, các tấm năng lượng mặt trời nhanh chóng hư hại do nước mưa. Ông nói ông “thất vọng không thể tưởng” vì ông kỳ vọng có thể sử dụng hệ thống ĐMTAM này trong hơn 10 năm.
 
Johann Fleury, Giám đốc công ty lắp đặt điện mặt trời Thirroul Solar, cho biết các tấm năng lượng mặt trời áp mái kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan. Ông nói đây là những tấm năng lượng mặt trời được sản xuất từ cả chục năm trước.
 
Johann Fleury, Giám đốc công ty lắp đặt điện mặt trời Thirroul Solar, cho biết các tấm năng lượng mặt trời áp mái kém chất lượng đang xuất hiện tràn lan ở Úc. Ảnh: ABC News
 
Ông cho biết trong giai đoạn 2008-2014, ông chứng kiến rất nhiều tấm năng lượng mặt trời rơi khỏi mái nhà của người dân. Johann Fleury lo ngại uy tín của ngành công nghiệp điện mặt trời áp mái sẽ bị ảnh hưởng khi nhiều hệ thống ĐMTAM chỉ có tuổi thọ vài năm, khiến khách hàng thất vọng và từ bỏ điện mặt trời.
 
Tại thành phố Canberra, Tiến sĩ Michelle McCann đang điều hành một trong những số ít phòng thí nghiệm ở Úc kiểm định chất lượng các tấm năng lượng mặt trời.
 
"Chúng tôi có lợi thế để thẩm định chất lượng hoạt động của các tấm năng lượng mặt trời trên toàn bộ nước Úc đơn giản vì chúng tôi là một trong số ít các phòng thí nghiệm có chức năng thẩm định chúng. Chúng tôi thấy rằng hiệu suất của các tấm năng lượng mặt trời khác nhau trên khắp nước Úc. Một số tấm năng lượng mặt trời có chất lượng tuyệt vời nhưng một số khác có chất lượng thực sự kém”, bà nói.
 
Tiến sĩ McCann cho biết ngay cả những tấm năng lượng mặt trời mới của các thương hiệu cao cấp cũng có thể không hoạt động tốt như mong đợi và thường là do các lỗi sản xuất không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
 
“Bạn không thể nhìn bên ngoài tấm năng lượng mặt trời rồi nhận xét nó sẽ tốt hay kém và bạn không thể nhìn vào tên thương hiệu để đánh giá tấm năng lượng mặt trời”, bà nói.
 
Một trong những tấm năng lượng mặt trời kém nhất mà phòng thí nghiệm của bà đã kiểm định có công suất sản xuất điện chỉ 12% so với mức quảng cáo. Bà cho biết một số nhà sản xuất nước ngoài đang ồ ạt bán các tấm năng lượng mặt trời kém chất lượng sang Úc vì biết rằng chúng sẽ không bị kiểm định chất lượng.
 
Steve Attard, Trưởng bộ phận điều tra và phân tích tại Sở cứu hỏa Melbourne, cho biết nhà cửa có thể bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn do hệ thống ĐMTAM gây ra. Ông nói: "Nhiều người dân bị mất nhà cửa và rất nhiều ngôi nhà bị cháy rụi, ít nhất là phần mái vào thời điểm chúng tôi đến hiện trường vụ cháy”.
 
Ông cho biết có 25 vụ cháy ở khu vực đô thị Melbourne trong 5 năm qua do so các sự cố xảy ra với hệ thống ĐMTAM.
 
Năm ngoái, Hội đồng Năng lượng sạch Úc (CEC) đã hủy chứng nhận chất lượng đối với 12 công ty lắp đặt hệ thống ĐMTAM và tạm đình chỉ chứng nhận này đối với 160 công ty khác. CEC cũng loại bỏ 5.500 mẫu sản phẩm tấm năng lượng mặt trời ra khỏi danh sách các sản phẩm được xác nhận chất lượng.
 
Song Kane Thornton, Giám đốc điều hành CEC, cho rằng tấm năng lượng mặt trời kém chất lượng không phải là vấn đề nghiêm trọng ở Úc. Theo ông, phần lớn hệ thống ĐMTAM ở Úc vẫn an toàn và các đánh giá “không an toàn” của Cơ quan Quản lý năng lượng sạch Úc không nguy hại đến mức như mọi người nghĩ.
 
Ông nói: “Chúng ta có hơn hai triệu hộ gia đình trang bị hệ thống ĐMTAM và thực tế, có rất ít sự cố xảy ra”.
Theo: Kinh tế Sài Gòn Online