Người dân giám sát ghi chỉ số công tơ qua máy tính bảng.
Ông Đinh Hoàng Dương – Giám đốc PC Thái Nguyên cho biết: Năm 2016, Công ty đã ứng dụng khoa học công nghệ truyền thông 3G thực hiện đưa 12 máy cắt recloser về điều khiển tại phòng Điều độ Công ty đã góp phần giảm thời gian xử lý sự cố khi mất điện từ 30-45 phút. (Trước đây khi 1 đường dây mất điện mà máy cắt tự đóng lại không thành công sẽ phải cử công nhân quản lý đi đọc thông số sự kiện tại các máy cắt và thực hiện đóng lại các máy cắt). Ứng dụng này đã góp phần giảm 33% chỉ số SAIDI sự cố so với kế hoạch giao.
Tiếp theo thành công đó, năm 2017, PC Thái Nguyên triển khai lưới điện thông minh với việc sử dụng mạng cáp quang nội bộ và thiết kế phần mềm chung (phần mềm HMI@SCADA) để kết nối thêm 15 điểm máy cắt recloser đưa về phòng thực hiện điều khiển và giám sát; việc thực hiện kết nối đã giảm được chỉ số SAIDI sự cố và SAIDI kế hoạch là 30-35% so với năm trước.
Công ty thực hiện chuẩn hóa tính toán các điểm nút ngắn mạch sau các recloser sau đó đưa vào phần mềm SCADA mini, khi sự cố sẽ thông báo các nút có nguy cơ sự cố để triển khai tìm phân đoạn, xử lý sự cố trong khoảng thời gian ngắn nhất khôi phục lưới điện nâng cao chất lượng phục vụ của PC Thái Nguyên.
Cùng với đó, Công ty lắp đặt 80 bộ cảnh báo sự cố có cổng kết nối và truyền gửi tín hiệu và các thông tin vận hành về trung tâm điều khiển và tin nhắn với các số điện thoại lãnh đạo qua các giao thức tiên tiến hiện hành, có thể theo dõi các thông sô vận hành online của lưới điện trung tâm điều khiển xa tại Phòng điều độ và các điện lực; sau khi lắp đặt khi có sự cố đã phát hiện được giảm thời gian phân đoạn đi tìm sự cố.
Cùng với việc đẩy mạnh khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện, PC Thái Nguyên cũng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Ông Đặng Văn Hoạch – Trưởng phòng Kinh doanh (PC Thái Nguyên) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, bằng việc triển khai cấp thẻ khách hàng tích hợp 04 thông tin trong thẻ (mã từ, mã QR code, mã khách hàng, tên khách hàng) tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc nộp tiền điện ở bất kể quầy thu nào của ngành điện cũng như cung cấp các thông tin để phục vụ cho việc sửa chữa khi có sự cố mất điện tại địa điểm dùng điện của khách hàng.
Ngoài ra, một số ứng dụng khác trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã được thực hiện như việc lắp công tơ điện tử với chức năng thu thập dữ liệu từ xa; Ứng dụng phần mềm Powerman để dò tìm vị trí xảy ra sự cố trên đường dây trung thế; Xây dựng chương trình sửa chữa điện hạ thế với mục đích lấy các thông tin khách hàng từ chương trình CMIS để in giấy giao nhiệm vụ cho tổ trực sửa chữa thao tác giúp giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn.
Đánh giá về những thay đổi của ngành Điện, bà Vũ Thị Quyết – Tổ 26, phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên cho biết: Tôi thấy rằng, ngành Điện đã có nhiều thay đổi lớn so với trước kia khi nhiều dịch vụ tiện ích được áp dụng cho khách hàng. Đặc biệt với việc áp dụng hóa đơn điện tử trong mua bán điện bằng việc thông tin hóa đơn điện tử được ngành Điện chuyển thẳng lên website giúp khách hàng có thể truy cập, tra cứu bất cứ thời điểm nào và không cần bảo quản, lưu trữ hóa đơn, tránh được thất lạc hóa đơn. Hóa đơn điện tử đã hỗ trợ công tác quản trị kinh doanh của gia đình tôi rất nhiều khi tra cứu hóa đơn, thanh toán tiền điện, kê khai thuế nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện.
“Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, các chỉ tiêu về thời gian mất điện, tần suất mất điện, thời gian giải quyết cấp điện mới… đã giảm đáng kể. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và sẽ áp dụng thêm những công nghệ tiện ích khách để phục vụ khách hàng được tốt nhất”, ông Đinh Hoàng Dương – Giám đốc PC Thái Nguyên cho biết.