Ứng dụng công nghệ mới: "Chìa khóa" giúp ngành điện nâng cao chất lượng

Thứ hai, 18/11/2019 | 14:24 GMT+7
Để nâng hiệu quả và năng chất lượng phục vụ khách hàng, những năm qua, ngành điện đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh.
 

PC Đà Nẵng áp dụng sửa chữa nóng trên lưới điện.
 
Tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ
 
Với ngành điện lực, để phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phải đi trước một bước.
 
Khi đánh giá về công tác ứng dụng KH&CN trong ngành điện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, ngành điện Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào vận hành hệ thống điện đã giúp ngành điện đạt trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
 
Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của ngành điện đã đạt được nhiều thành tựu, các nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trình độ KH&CN ngành điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.
 
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Vy cho biết, nhiệt điện sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao với công suất tổ máy nhiệt điện than đạt 600-660 MW. Công nghệ đập bê tông đầm lăn đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và trạm biến áp (TBA) có điện áp đến 500 kV; các TBA có công nghệ cách điện bằng khí (GIS)...; tổn thất điện năng giảm xuống còn dưới 8%.
 
Hay với việc vận hành Trung tâm Điều khiển hệ thống và thị trường điện mới giúp công tác vận hành hệ thống điện và giao dịch thị trường điện trở nên dễ dàng hơn do cập nhật nhanh tình hình thực tế của hệ thống, hỗ trợ đắc lực trong giám sát, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, giúp công tác lập lịch huy động nguồn điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng chính xác và kịp thời. Đồng thời, khẳng định những bước đi chắc chắn trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
 
Thành công từ những mô hình điểm
 
Quản lý địa bàn với lượng khách hàng lớn, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã áp dụng thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo có tên là chatbot trong hoạt động chăm sóc khách hàng, gồm 8 nhóm dịch vụ: Cấp điện mới, hợp đồng mua bán điện, yêu cầu về hệ thống đo đếm, đăng ký thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin, báo mất điện, tiếp nhận đăng ký dịch vụ của khách hàng, các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực chăm sóc khách hàng (CSKH) ngành điện. Để tương tác với chatbot, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tại website cskh.evnhanoi.com.vn hoặc tại trang facebook CSKH EVN HANOI bằng cách nhắn tin và làm theo hướng dẫn của chatbot trong phần tin nhắn hoặc tra cứu thông tin. Chatbot sẽ hiện lên trong bảng chat “Hỗ trợ trực tuyến”. Với tốc độ giải đáp thắc mắc cho khách hàng trong khoảng 5 giây, chatbot đã hỗ trợ song hành với nhân viên CSKH để tư vấn các thủ tục thông tin về điện, trở thành “tư vấn viên” mọi lúc, mọi nơi.
 
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng ban Kinh doanh EVN HANOI: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong CSKH giúp giảm áp lực công việc lên các tư vấn viên và hiện đại hóa phương thức tương tác giữa ngành điện với khách hàng. Khách hàng có thêm kênh tư vấn miễn phí, không mất thời gian chờ đợi kết nối khi cần hỗ trợ.
 
Hay tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, triển khai các dịch vụ điện lực.
 
Điển hình là phương pháp sửa chữa nóng lưới điện giúp giảm thời gian mất điện, đáp ứng nhu cầu kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng, thay thế, đấu nối, vệ sinh sứ cách điện; ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện; không làm gián đoạn việc cung cấp điện cho khách hàng. Đối với Công ty Điện lực Đà Nẵng nói riêng và Ngành điện nói chung, đây là phương pháp có tác dụng nâng cao sản lượng điện cung cấp cũng như nâng cao uy tín của ngành điện với khách hàng sử dụng.
 
Tiếp nối thành công công tác vệ sinh cách điện và sửa chữa nóng lưới điện, PC Đà Nẵng đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng và tự động hóa trạm biến áp 110 kV.
 
Lợi ích rõ nét nhất khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Trước kia, với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi trạm biến áp truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực.
 
Khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành và chuyển các trạm biến áp sang mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên tại Phòng Điều độ - Trung tâm điều khiển sẽ trực tiếp quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các trạm biến áp này.
 
Như vậy, tại các trạm sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp, lực lượng này sẽ được công ty sử dụng, bố trí vào các công tác khác. Trong những năm qua, mỗi năm, cán bộ công nhân viên của PC Đà Nẵng cũng có hàng chục sáng kiến được công nhận, làm lợi hàng tỷ đồng.
Theo: Doanh nghiệp và hội nhập