Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Tại Việt Nam, lượng rác thải phát sinh ở đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị khoảng 85%, ở khu vực nông thôn khoảng 40-50%. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp, trong đó khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ. Việc đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phần lớn chỉ được thực hiện ở một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn.
Cho nên, theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam là thách thức của các ban ngành, địa phương. Để lựa chọn được mô hình quản lý và công nghệ lý phù hợp, chúng ta cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Park Jung Jun, Phó trưởng Ban Kinh tế và Công nghiệp môi trường, Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc hiện có tỷ lệ đầu tư vào môi trường hằng năm tăng khoảng 3%, trong các lĩnh vực quản lý khí thải, chất lượng không khí, năng lượng thân thiện môi trường, nhất là xử lý rác thải, trong đó có những công nghệ xử lý tiên tiến hàng đầu thế giới. Hàn Quốc có khả năng cung cấp thiết bị, giải pháp về môi trường rất đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng quốc gia, hiện đang thực hiện 377 dự án môi trường tại 82 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, hỗ trợ thực hiện kế hoạch tổng quát cải thiện môi trường tại các quốc gia đang phát triển, thực hiện các kế hoạch tổng thể của dự án cải thiện nước sông ở một số quốc gia, tiến tới mục tiêu mỗi năm hỗ trợ 10 quốc gia với 20 dự án thử nghiệm các trang thiết bị xử lý môi trường.
Ông Choi Dae Kyung, Phó Thị trưởng Phụ trách Chính sách môi trường TP. Busan, Hàn Quốc cho biết: Đây chính là thời điểm mà các quốc gia nói chung và các thành phố trên thế giới hợp tác, chia sẻ giải pháp, công nghệ xử lý rác thải nhằm chung tay xử lý vấn nạn rác thải. Hàn Quốc và Việt Nam nói chung, TP. Busan và TP.HCM nói riêng hiện đang hợp tác thực hiện các chương trình, dự án, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải. Để đạt hiệu quả trong hợp tác xử lý rác thải, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần có những chính sách triển khai cũng như hỗ trợ thực hiện phù hợp.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và quốc tế đã trình bày, giới thiệu một số công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, có thể áp dụng tại Việt Nam như: Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 giới thiệu kinh nghiệm xử lý rác thu hồi điện; Tổng Công ty Môi trường Hàn Quốc giới thiệu một số hệ thống tái chế rác thải tiêu biểu tại Hàn Quốc; Tập đoàn Quản lý bãi chôn lấp Sudokwon (Hàn Quốc) giới thiệu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi năng lượng; Công ty Watrec (Phần Lan) giới thiệu giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt tổng thể từ Phần Lan; Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức giới thiệu Chiến lược xử lý rác thải sinh hoạt ở Việt Nam với công nghệ INTEC-TCP của Đức…
Trong đó, theo ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức, Công nghệ INTEC-TCP của Đức có thể tự động phân loại rác, đưa vào các lò phản ứng nhiệt độ cao không có ô xi, biến rác thành than cốc sử dụng trong công nghiệp luyện kim, sản xuất xi măng và khí chứa năng lượng để sản xuất điện. So với công nghệ đốt rác phát điện thì công nghệ này không đốt rác mà sử dựng lò phản ứng nhiệt, tạo ra điện năng cao gấp 3 lần. Công nghệ này xử lý được tất cả các loại rác thải mà không cần phân loại tại nguồn vì có dây chuyền tự động phân loại rác, không cần nguyên liệu bên ngoài để đốt rác, có thể xử lý các bãi rác chôn lấp cũ, tuổi thọ dây chuyền thiết bị cao, trên 30 năm hoạt động liền tục, đảm bảo an toàn và không gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, các công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện được trình bày vẫn đang ở giai đoạn đề án hoặc đang bắt đầu triển khai, bởi đến lúc này Việt Nam chưa có một lò đốt rác phát điện hoàn chỉnh, hiện đại nào đi vào hoạt động, chưa có một công trình “demo” nào để khẳng định tính hiệu quả. Cho nên, để các công nghệ đốt rác phát điện này có khả năng áp dụng tại Việt Nam thì cần đảm bảo 3 tiêu chí: bền vững, chi phí và sản phẩm đầu ra cuối cùng.